Khí công

Khí công, dễ hiểu, dễ tập


Cần xé bỏ bức màn bí mật, huyền hoặc, quanh Khí Công.

Khí công là dùng tâm ý, hơi thở, tư thế và cử động để ảnh hưởng vào một số chức năng của cơ thể. Khí công không khó tập, cũng không khó hiểu, nhưng thường bị cho là khó, vì người ta hay phủ lên nó một bức màn bí mật, huyền hoặc, có khi thần thoại …

Một nguyên tắc chủ yếu của khí công là : Ý dẫn « Khí ». Khi bạn nghĩ « lên » thì « khí » lên, khi nghĩ « ra bàn tay » thì « khí » ra bàn tay, chú tâm hay « quán » ở chỗ nào thì « khí » tập trung ở đấy. Công dụng của sự vận hành của « khí », tức của cái « ý » dẫn dắt nó như sau :

- Khi « ý » và « khí » được đưa lên thì sẽ tạo sự hưng phấn cho cơ thể
- Khi ý và khí hướng xuống, sẽ gây trầm tĩnh

Chút lí thuyết đơn giản về cách thở trong khí công

Về phần hơi thở, thì công dụng như sau

- hít vào : hưng phấn, tim đập nhanh hơn, áp huyết tăng (do kích thích thần kinh giao cảm)
- thở ra : trầm tĩnh, tim đập chậm lại, huyết áp giảm (do kích thích thần kinh phó giao cảm)

Phối hợp hơi thở và « ý dẫn khí », ta có các phương pháp sau :

1) Hít vào đưa « khí » xuống, bụng căng (khác với phình bụng), thở ra đưa lên (thót bụng). Trong phương pháp này, chúng ta có sự điều hòa giữa sự hưng phấn của hít vào với trầm tĩnh của việc « đưa xuống », cũng như sự trầm tĩnh của thở ra với hưng phấn của thót bụng đưa lên. Đây là một cách thở quân bình, ai tập cũng được.

2) Hít vào đưa khí xuống (vai và ngực trên không động, không nâng lên) thở ra cũng nén xuống. Một trong những áp dụng của cách thở này là lúc chiến đấu. Người ta đặt trọng tâm vào sự trầm tĩnh, thân tâm đều vững chắc, kiên cố. Vì người ta sợ bị tấn công khi hít vào, nên một chủ đích khác của phương pháp này là làm cho đối phương không biết mình đang hít vào hay thở ra. Nó cũng lợi cho việc nén « khí » chịu đòn.

3) Hít vào nâng lên, thở ra cũng nâng lên : cách thở này rất ít dùng. Nó có tính hưng phấn mạnh, thí dụ như khi buồn ngủ cần lái xe … Một vài môn phái tập « xuất hồn », hay muốn thông lưu với một đấng linh thiêng nào đó, thường « quán » vùng đỉnh đầu và có khi thở theo cách này. Nó có thể gây những ảo giác, do ảnh hưởng trên hoạt động của một số vùng não bộ

4) Hít vào nâng lên, thở ra đưa xuống. Đây cũng là một cách thở điều hòa, vì chúng ta có hai yếu tố hưng phấn (hít vào + nâng lên), rồi liền sau đó, hai yếu tố trầm tĩnh (thở ra + đưa xuống). Thiền Sư Taisen Deshimaru thuộc phái Tào Động dạy lối thở này ở Pháp, nhưng với một biến thể quan trọng : hít vào tương đối nhanh, một cách tự nhiên, không cần để « ý » đến, chỉ chú tâm vào hơi thở ra, càng dài càng tốt. Deshimaru muốn nhấn mạnh nơi khía cạnh trầm tĩnh (thở ra + nén xuống) trong cái môi trường xã hội Tây Phương đầy giao động, ưu tư này.

Tiếp theo đây, chúng ta sẽ bàn sâu hơn vào những phương pháp nín hơi và quán tưởng đặc biệt.


Vài phương pháp Khí Công với gián đoạn hơi thở

Ngừng hít thở, khí tinh thâm, không phân trong ngoài, xé màn vô minh, tâm quy nhất … (Pantanjali)
Từ khoảng 250 năm trước Công Nguyên, Pantanjali, trong Kinh Du Già (Yoga Sutra) đã đề cập đến tầm quan trọng của việc nín hơi trong cách luyện thở (Samadhi Pada, câu 34 và Sadhana Pada, câu 49). Truyền thống Khí Công Trung Hoa tuy đến từ Lão Giáo, nhưng chịu ảnh hưởng rất mạnh của Ấn Độ qua Phật Giáo, cũng đề nghị nhiều phương pháp gián đoạn hơi thở.

Dễ nhất là hít vào hay thở ra từng bậc. Khi làm như thế, chúng ta để « ý » vào cái hơi thở ấy nhiều hơn là khi hít thở liền tù tì một nhịp. Mà « ý » thì dẫn « khí », như chúng ta đã từng bàn, hít vào gây hưng phấn, còn thở ra thì ngược lại, tạo trầm tĩnh. Vậy, nếu muốn hưng phấn (thí dụ buồn ngủ cần lái xe), chúng ta chỉ cần thở ra một hơi tự nhiên, rồi hít vào từng bậc, mỗi bậc khoảng 1-2 giây, ngừng thở một tí tí, rồi lại hít tiếp một bậc khác, càng nhiều bậc càng tốt, nhưng không cần cố gắng. Trong cách tập này, để quân bình hưng phấn với trầm tĩnh, người ta thường vừa hít vào vừa đem hơi thở đặt xuống bụng dưới. Bạn còn nhớ : đưa xuống có tác dụng trầm tĩnh (1).

Thở ra từng bậc thì đương nhiên là có tác dụng trầm tĩnh, nhất là khi phối hợp với việc nén « khí » xuống vùng bụng dưới. Trong võ học, khi đánh liên tiếp nhiều đòn người ta cũng có thể thở theo cách này. Bây giờ, vừa hít vào từng bậc, vừa thở ra từng bậc, thì tác dụng đơn giản là điều hòa, với một ưu điểm quan trọng là bắt cái tâm hay giao động của mình phải chú « ý » nhiều hơn đến các nhịp thở. Bạn nên dùng phương pháp này khi có chuyện lo lắng, tâm trí khó tập trung. Thở từng bậc cũng rất thích hợp với lúc đi bộ. Khi ấy, mỗi bước đi là một nhịp thở.

Tiếp đến, chúng ta thử tiến sang các phương pháp nín hơi « thực sự », nên tập trong tư thế ngồi (2). Thông thường nhất là nín hơi sau khi hít vào. Hít vào tự nhiên, nén xuống bụng dưới (đơn điền), rồi giữ ở đó ít lâu, không được cố gắng, sau đó chậm rãi thở ra. Đương nhiên là bạn có thể phối hợp phương pháp nín hơi này với những gì bạn đã biết, như thở từng bậc, khi hít vào, hay khi thở ra, tùy tác dụng mà bạn muốn tạo ra. Việc vừa hít vào (hay thở ra) vừa « nâng khí lên » hay « nén khí xuống » cũng thế, tùy nhu cầu hưng phấn hay trầm tĩnh. Bạn còn có thể xen kẽ những nhịp thở có nín hơi với vài nhịp thở bình thường không nín hơi, để có thể nín hơi lâu hơn một chút mà không bị thiếu hơi thở. Riêng phụ nữ khi tập nén hơi xuống bụng dưới cần đồng thời nhíu hậu môn và co thắt vùng âm hộ để tránh rủi ro sa tử cung và bàng quang.

Người ta cũng có thể nín hơi sau khi thở ra. Phương pháp này ít được dùng một cách đơn độc. Nó thường được lồng trong một cách thở mà các nhà Yoga gọi là thở « toàn diện » : hít vào, nín hơi, thở ra, lại nín hơi, rồi hít vào tiếp. Nín hơi sau khi thở ra cũng là một phần của pháp môn « bế tinh » trong khi giao hợp, đồng thời tạo hưng phấn cực mạnh (dùng khi vừa buồn ngủ, vừa giao hợp, vừa … lái xe ?!?!)

Các phương pháp quán tưởng trong Khí Công.

Các phương pháp hít vào + nén xuống, và thở ra + đưa lên, thường được gọi là « Tứ Tượng Thổ Nạp » vì « trong dương có âm, trong âm có dương » như hình ảnh của « Tứ Tượng » (Thái Dương, Thiếu Âm, Thái Âm, Thiếu Dương). Các phương pháp hít vào + nâng lên (cùng có tác dụng hưng phấn), và thở ra + nén xuống (cùng có tác dụng trầm tĩnh) thì gọi là Lưỡng Nghi Thổ Nạp, vì chỉ có thuần Âm và thuần Dương, tức Lưỡng Nghi.

Koichi Tohei, thuộc Hiệp Khí Đạo dạy một cách tập thở có nín hơi trong tư thế đứng, với vài động tác của cánh tay, bàn tay (nắm, mở), và nhón gót chân.


Quán Tưởng trong Khí Công

Một trong những khó khăn của khí công là: tập trung tinh thần. Và một trong nhiều hiệu năng của quán tưởng là giúp « giải trừ tạp niệm », loại bỏ những suy nghĩ lung tung, để tập trung tinh thần. Theo kinh nghiệm cá nhân, xin đề nghị một trình tự rất gọn gàng và hữu hiệu, được truyền dạy bởi nhà sư Trí Khải, đời nhà Tùy, bao gồm sáu giai đoạn, như sau :

Đơn giản nhất là « đếm hơi thở » : gọi là sổ tức quán. Hít vào rồi thở ra : đếm một. Lại hít vào, thở ra, đếm hai, v.v… cho đến 10 thì quay lại một. Nếu lầm lẫn, không biết mình đã đếm đến đâu thì phải quay về một. Hơi thở phải tương đối dài, nhưng không được để thiếu hơi, sau đó phải thở dốc. Cùng lúc có thể áp dụng những cách thở mà bạn đã biết (đọc các số trước), tùy theo tác dụng muốn đạt được. Tuy nhiên, chủ trương của giai đoạn này là đơn giản, vì thế quý bạn nên chọn cách thở nào đơn giản nhất.

Thứ đến, khi cảm thấy không còn cần phải đếm hơi thở để loại trừ những suy nghĩ tạp nhạp nữa, thì bạn có thể bước sang phương pháp « bám theo hơi thở » : gọi là « tùy tức ». Hơi thở vào, để tâm vào, hơi thở ra, chú ý theo ra, hơi thở sâu, biết nó sâu, hơi thở cạn, biết nó cạn, v.v… Tâm luôn bám theo hơi thở, như « chủ nợ bám theo con nợ » (lời Trí Khải), nhất định không rời. Pháp môn Vipasana (Minh Sát) của Phật Giáo Nguyên Thủy, khi dạy chú tâm đến tính lạnh của hơi thở vào và nóng của hơi thở ra, cũng không xa cách tập này.

Khi không còn cảm thấy cần bám theo hơi thở nữa, người ta bước sang phép « chỉ », tức là đình chỉ cái tâm của mình lại, bắt nó ngừng ở một chỗ. Người ta tập trung nghĩ đến một điểm trong thân thể, thông thường nhất là vùng hạ đơn điền ở dưới rốn vài phân. Nhưng cũng có thể tập trung vào những nơi khác, như ngón chân cái, huyệt dũng tuyền ở gan bàn chân (tác dụng làm ngủ), huyệt trung uyển ở vùng vị, với tác dụng giúp tiêu hóa và hỗ trợ tuần hoàn (tỳ vị chủ vận hóa), vùng giữa trán, nơi huyết ấn đường (để khai tuệ ?), vùng đỉnh đầu nơi huyệt bách hội (xuất hồn ?), vùng gan, vùng thận … Điểm tập trung cũng có thể nằm ngoài thân thể : như một ngọn đèn xanh nhỏ, đặt trước mặt vài thước được tin là giúp tăng cường thị giác (?), hay một điểm tưởng tượng trước mặt khoảng một thước, v.v…

Sau đó, người ta chuyển sang pháp môn « Quán » đúng nghĩa, tức là hình dung, tưởng tượng một cái gì đó, như thực sự nhìn thấy hay cảm thấy nó. Thí dụ quán các đường kinh mạch vận chuyển : thường là vòng đại chu thiên, tiểu chu thiên, hay vòng tuần hoàn của 12 chính kinh, 6 kỳ kinh mạch …

Vòng tiểu chu thiên khởi đi từ bụng dưới xuống xương cùng ra phía sau, theo xương sống lên đến đỉnh đầu rồi theo phía trước thân thể trở xuống trán, ngực, vùng vị, rồi lại bụng dưới. Người ta có thể tập tiểu chu thiên ngược : xuống phía sau, lên phía trước. Vòng TCT thuận đưa « khí » từ trong ra ngoài, vòng TCT nghịch đưa « khí » từ ngoài vào trong. Tùy tác dụng muốn có mà ta chọn vòng nghịch hay thuận. Thí dụ : ăn uống khó tiêu, cứ ợ lên … thì tập vòng thuận vì vòng này đưa xuống phía trước, qua vùng vị. Cảm thấy lạnh bên trong thì tập vòng nghịch vì có tác dụng đưa « khí » vào trong. Dương hư tập vòng nghịch, Âm hư tập vòng thuận. Có thể phối hợp TCT với cách thở có nín hơi (xem số trước).

Người ta cũng có thể quán tưởng một câu thơ, câu kinh, thần chú, một bài quyền, một đạo bùa, một phong cảnh có thật hay tưởng tượng, hoặc hình ảnh Chúa, Phật, hình một vị Anh Hùng v.v…
Sau « Quán » là « Hoàn » : quay lại quán tưởng chính mình, như một người khác đang bình thản nhìn mình phì phò hít thở, quán này quán nọ, vất vả loay hoay cố thoát khỏi vọng tưởng, tham dục, đau khổ … Tác dụng của « hoàn » là ý thức được rằng cái tâm của mình là một tập hợp của nhiều thành phần, cái này đắp lên cái kia. Và cái phần thâm sâu có khả năng nhìn lại những phần khác một cách tĩnh lặng, có thể là Chân Tâm, Phật Tính. Pháp môn « Hoàn » là một cách để cảm thấy Phật Tính nơi mình.

Giai đoạn cuối là « Tịnh ». Tâm hoàn toàn trống rỗng. Nó tự nhiên đến. Không thể tham cầu.
Trí Khải cho là có thể áp dụng nhiều giai đoạn của cái « Lục Diệu Pháp Môn » này cùng một lúc, như vừa sổ tức, vừa tùy tức, vừa chỉ, vừa quán v.v… Quý bạn thử xem ?

Khí Công và Thiền Đạo: đừng quên hé một nụ cười !

Đọc phần “Quán Tưởng trong Khí Công”, quý bạn chắc đã hiểu ngay rằng Khí Công có thể là một cánh cửa để bước vào Thiền Đạo ? Khí Công thuận lợi cho việc an Tâm, đồng thời giữ cho thân thể được vững chắc, khỏe mạnh, tạo điều kiện tốt cho việc hành Thiền. Tuy nhiên, Khí Công cũng có thể chỉ ngừng lại ở sự thỏa mãn một số tham cầu của cái Tôi, một cách ích kỷ. Trong trường hợp ấy, người ta quay lưng lại với Thiền Đạo. Vì thế, đạt đến một cảm giác thư thái, khỏe mạnh, tâm hồn an tĩnh, phải là một cơ hội để phân phát những thứ ấy đến tha nhân, không những trong đời sống thường ngày, mà cả trong sự quán tưởng lúc đang tập luyện. Thật vậy, ngoài việc quán tưởng các đường kinh mạch, quán vòng tiểu chu thiên (thuận nghịch tùy nhu cầu), quán một hình ảnh, một đạo bùa, một ý tưởng v.v… thì có một sự quán tưởng sẽ giúp bạn bước sang Thiền Đạo. Đó là Quán Đại Từ Bi (Maha Karuna). Một truyền thuyết cho là Đức Phật đắc đạo nhờ Sổ Tức Quán (đếm hơi thở) và Quán Đại Từ Bi. Một cách nói để không cần đi tìm những “pháp môn” phức tạp, rắc rối.

Quán Đại Từ Bi là : khi bạn cảm thấy tâm hồn thư thái, an tĩnh, trong lúc tập luyện, hay bất cứ lúc nào khác, thì liền dụng tâm phân phát cảm giác ấy, làm cho nó lan ra đến mọi người, mọi sự sống “hữu tình”. Thật ra, không dễ gì làm được như thế ngay lập tức. Cần trải qua vài giai đoạn trung gian. Đầu tiên là chia sẻ sự an lạc với những người thân thương trong gia đình mình : vợ chồng con cái, anh chị em … Ước vọng họ cũng được an lạc như mình. Rồi đến bạn bè, người quen, xóm giềng, đồng nghiệp … Dần dần mới đến người mình chỉ biết mặt qua loa, không bao giờ trò chuyện, rồi tới người mình chỉ nghe nói đến. Sau chót là người mình thù ghét, oán hận, người đã từng cư xử tệ bạc với mình, bóc lột lường gạt, thậm chí hành hạ đánh đập mình. Vẫn với ước vọng chân thành là họ cũng chia sẻ sự an lạc của mình. Sau cùng là quán đến toàn thể chúng sinh …

Có một mánh lới đơn giản khi thực hành Quán Đại Từ Bi : bạn chỉ cần nỉm một nụ cười khi bất cứ một hình ảnh nào hiện đến trong tâm. Nó sẽ giúp cho năng lực và sự hiệu quả của bạn tăng lên gấp bội phần ! Điều ấy phải trở thành một phản xạ, trong mọi sự tập luyện. Dù cho bạn tập theo phương pháp nào đi chăng nữa, cũng đừng quên nó, đừng quên nỉm một nụ cười !

Thiền Đạo và Võ Đạo

Người ta thường gán cho Bồ Đề Đạt Ma vai trò Tổ Sư của Võ Đạo, dù không có văn kiện Phật Giáo chính thống nào cho biết chính xác điều này (?). Bồ Đề Đạt Ma là Nguyên Tổ của Thiền Tông Trung Hoa. Truyền thuyết trong giới Võ Nghệ nói Ngài diện bích chín năm rồi truyền dạy những phương pháp luyện tập thân thể, sau này trở thành Võ Học. Từ đó, người ta nghi ngờ có một liên hệ mật thiết giữa Thiền và Võ.

Vấn đề đầu tiên phải đặt ra là Phật Giáo vốn chủ trương hạnh Nhẫn Nhục, tính Từ Bi, tinh thần Lục Hoà, nên khó mà đứng chung được với Võ Đạo, vốn là một nghệ thuật chiến đấu, với nhiều khả năng gây thương tích, tàn tật, chết chóc. Theo tôi, thì trong bối cảnh một nước Trung Hoa đầy bạo lực vào lúc ấy, không có môi trường nào cần được truyền Đạo Từ Bi bằng môi trường Võ Nghệ. Tổ Đạt Ma, hay một truyền nhân của Ngài, đã chứng minh được rằng : với một kỹ thuật cao, người ta có thể giải quyết một cuộc tranh chấp võ lực mà không cần phải giết hay làm cho đối thủ bị thương. Một cao thủ thâm nhập tinh thần Thiền Đạo có thể khắc phục đối phương mà vẫn giữ vững tâm Từ Bi. Người ấy có thể chuyển hoá Tâm của người muốn hại mình mà không làm hại người ấy. Đó là khía cạnh thứ nhất của vấn nạn « Thiền trong Võ ».

Khía cạnh thứ hai là Võ Đạo rất có thể là một phương pháp hành thiền hiệu quả. Không phải chỉ trong lúc chiến đấu, mà chủ yếu là trong lúc tập luyện.

Nếu quan niệm Thiền như một phương pháp an tâm, thì ta sẽ thấy ngay rằng Tâm tương đối dễ « an » trong điều kiện tĩnh lặng, như khi ngồi bất động. Nhiều trường phái Võ Học bắt môn sinh ngồi tĩnh lặng mỗi đầu buổi tập. Nhưng đến khi đứng lên, bắt đầu cử động, là Tâm bắt đầu dao động. Khi tập các động tác chậm rãi khoan hoà, như Thái Cực Quyền chẳng hạn, thì Tâm tuy có khó « an » hơn lúc ngồi lặng lẽ một chút, nhưng cũng còn chưa đến nỗi nào. Nếu bây giờ tập đấm đá vũ bão, vừa nhanh vừa mạnh, thì việc « an » Tâm trở thành rất khó. Việc ấy lại càng khó hơn bội phần khi tập « đối luyện » (có quy ước) với một người khác. Rồi đến khi giao đấu tự do, với tất cả những phức tạp và lo sợ của nó, thì « an » Tâm chỉ đạt được ở một trình độ cực cao. Người tập võ có thể nhắm đến trình độ ấy. Khi ngồi tĩnh tâm lúc đầu buổi tập, anh ta ổn định tâm của mình trong sự an tĩnh, và tiếp tục « trụ » trong ấy khi anh ta đứng dậy tập nóng người, tập các động tác nhẹ nhàng, hay các động tác mạnh bạo, hay khi tập đối luyện, và rốt ráo là khi giao đấu tự do. Đến cuối buổi tập, khi trở về tư thế ngồi tĩnh tâm, anh ta nhận thấy Tâm mình từ đầu vẫn không thay đổi … Rồi khi bước vào các sinh hoạt của đời sống, Tâm vẫn luôn an tĩnh. Ở trình độ ấy, anh ta trở thành một cao thủ, dù cho trình độ kỹ thuật hay thể chất của anh ta thế nào đi chăng nữa. Vì trong Võ Học cũng như trong nhiều lãnh vực khác, « Tâm » chính là yếu tố quyết định !

Bác sĩ Nguyễn Hoài Vân

Nguồn: internet