Om


Người tu thiền phải luôn luôn nghĩ đến đức Phật như ngài đang hiện diện bên trong họ chứ không phải ở bên ngoài. Bất cứ sự mong cầu một quyền lực nào bên ngoài cũng đều là những vọng niệm càn phải loại trừ, vì không một uy lực nào bên ngoài có thể giúp chúng ta.

Ngay chính sự mong cầu một điều gì, dù là sự bình an hay niềm phúc lạc, cũng đã là một vọng niệm rồi.

Chỉ khi nào người tu thiền ý thức rõ rệt rằng đức Phật ngự trị ở bên trong, thì họ mới có thể hiểu trọn vẹn ý nghĩa câu thần chú linh thiêng "Om Mani Padme Hum".

Chỉ khi lòng từ bi hoàn toàn khai mở như một đóa hoa Sen (Padme) vươn cao lên khỏi bùn và bắt đầu khai hoa, thì hương thơm của Trí Tuệ (Mani) mới bắt đầu tỏa ra khắp nơi và mọi hành động Thân-Khẩu-Ý (Om) mới thật sự phản ánh trọn vẹn đúng cái ý nghĩa cao đẹp nhất của Sự Sống (Hum).

Khi lòng tư bi phát triển trọn vẹn, người tu thiền không còn ao ước sự giải thoát cho chính mình nữa, mà thấy mình và chúng sinh không hề sai khác, mình với tất cả chúng sinh chỉ là một, và khi chúng sinh còn vướng mắc trong vòng đau khổ thì làm sao mình có thể giải thoát được ?

Khi trí tuệ phát triển trọn vẹn, thì làm sao mình có thể lầm lạc, có thể hành động trái với luật thiên nhiên, trái với chân lý được? Khi mọi vật đều sáng tỏ, không còn vô minh, tất cả mọi sự thật đều phơi bày rõ ràng thì đâu còn mê đắm, đâu còn khổ đau.

Khi từ bi và trí tuệ phát triển trọn vẹn thì không còn sự phân biệt nữa. Từ bi cũng là trí tuệ và trí tuệ cũng là từ bi, và người tu chứng đắc, đã đi vào con đường Trung Đạo, thấy rõ bản thể của chân như của sự vật: Tất cả đều là một, hình tướng tuy khác nhưng thể tánh chỉ có một. Đó chính là ý nghĩa của câu kinh “Sắc tức thị Không, Không tức thị Sắc” trong kinh Bát Nhã Ba La Mật.

Anagarika Govinda
Trích "Đường mây qua xứ tuyết" (The Way of the White Clouds, 1988)
Trang 48, audio 1b, phút 21
-------------------------------------------------------

Lama Anagarika Govinda (May 17, 1898–January 14, 1985); là tu sĩ Phật giáo, học giả, giáo sư Phật học, và họa sĩ người Đức. Thế danh của ông là Ernst Hoffman. Ông sinh năm 1898 ở Waldheim (Đức) và mất 1985 ở California (Mỹ). Ông tu theo đạo Phật lúc 18 tuổi. Năm 30 tuổi ông sang Tích Lan và Miến Điện học đạo rồi sau đó thực hành Mật giáo Tây tạng.

Ông sống ở Darjeeling, dưới chân dãy núi Hy Mã Lạp Sơn trong nhiều năm, dạy ở Đại học Patna và Shantiniketan, vùng Tây Bengal, Ấn Độ (Đại học do văn hào Ấn Độ Rabindranath Tagore thành lập), dạy Phật học tại nhiều đại học ở châu Âu, Á, Phi, và Mỹ, và thành lập đạo tràng Arya Maitreya Mandala tại Ấn Độ, Đức và Mỹ. Ông sang Mỹ hành đạo từ năm 1967. Ông được xem như một trong những người có công lớn đưa Phật giáo vào phương Tây và là nhịp cầu hiện đại nối liền văn hóa Đông Tây.

Ông để lại nhiều tác phẩm Phật học có giá trị và đựơc dịch ra nhiều thứ tiếng. Tác phẩm chính của ông là Nền tảng Mật giáo Tây Tạng (Foundations of Tibetan Mysticism, NXB Samuel Weiser, Mỹ, 1969), Thái độ tâm lý trong triết học Phật giáo nguyên thủy  (The Psychological Attitude of Early Buddhist Pholosophy, NXB Rider, Anh, 1969), Đường mây qua xứ tuyết (The Way of the White Clouds, NXB Shambala, Mỹ, 1988, được Tiến sĩ Nguyễn Tường Bách dịch từ tiếng Đức sang tiếng Việt, NXB Trẻ, TP Hồ Chí Minh, 1999), Cấu trúc nội tại của Kinh Dịch (The Inner Structure of The I Ching, NXB Weatherhill, Mỹ, 1981), Biểu tượng tâm lý và vũ trụ của các bảo tháp Phật giáo (Psycho-cosmic Symbolism of the Buddhist Stupa, NXB Dharma, Mỹ, 1976), Thiền định sáng tạo và tâm thức đa diện (Creative Meditation and Multi-Dimensional Consciousness, NXB Quest, Mỹ, 1979), Suy tưởng Phật giáo (Buddhist Reflections, NXB Samuel Weiser, Mỹ, 1991), Đạo Phật đi vào cuộc sống phương Tây (Living Buddhism for the West, NXB Shambala, Mỹ, 1990).