Vào năm 1995, có một người phụ nữ, thượng uý quân đội 43 tuổi rắn rỏi, tràn đầy quyết tâm đi về những chiến trường xưa để tìm những đồng đội đã ngã xuống, hài cốt còn bị chôn vùi đâu đó trong rừng sâu. Chỉ với 10 kg gạo, 5 kg mì và một con dao rựa, một mình lẻ loi trong rừng suốt trong 6 tháng ròng, chị đã tìm thấy 500 bộ hài cốt của các liệt sỹ đồng đội đã anh dũng hy sinh trong cuộc chiến tranh thần thánh chống Mỹ cứu nước.
Suốt 15 năm qua, chị đã tìm thấy hơn 12,000 bộ hài cốt của các liệt sỹ - đồng đội trên một vùng rộng lớn Miền Trung, Tây Nguyên đến đảo Phú Quốc. Chị là nhà ngoại cảm Vũ Thị Minh Nghĩa, cô Năm Nghĩa,
Khả năng ngoại cảm đặc biệt của chị đã được tổ chức UIA của Việt Nam công nhận. Các vị lãnh đạo Đảng và nhà nước như chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết, thủ tướng chính phủ Nguyễn Tấn Dũng,… đã đến tận điểm khai quật liệt sỹ ở Phú Quốc (nơi chị 5 Nghĩa đã tìm thấy 1499 liệt sỹ chỉ trong vòng 1 tháng) động viên và khích lệ tinh thần vì đồng đội cao cả của nữ quân nhân Minh Nghĩa.
Nghe cô tâm sự trong đoạn phim phỏng vấn trong chương trình "Hãy nghe họ nói" mới hiểu hơn về một tấm lòng cao cả như Bồ Tát của cô, trân trọng giới thiệu cùng các bạn:
Suốt 15 năm qua, chị đã tìm thấy hơn 12,000 bộ hài cốt của các liệt sỹ - đồng đội trên một vùng rộng lớn Miền Trung, Tây Nguyên đến đảo Phú Quốc. Chị là nhà ngoại cảm Vũ Thị Minh Nghĩa, cô Năm Nghĩa,
Khả năng ngoại cảm đặc biệt của chị đã được tổ chức UIA của Việt Nam công nhận. Các vị lãnh đạo Đảng và nhà nước như chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết, thủ tướng chính phủ Nguyễn Tấn Dũng,… đã đến tận điểm khai quật liệt sỹ ở Phú Quốc (nơi chị 5 Nghĩa đã tìm thấy 1499 liệt sỹ chỉ trong vòng 1 tháng) động viên và khích lệ tinh thần vì đồng đội cao cả của nữ quân nhân Minh Nghĩa.
Nghe cô tâm sự trong đoạn phim phỏng vấn trong chương trình "Hãy nghe họ nói" mới hiểu hơn về một tấm lòng cao cả như Bồ Tát của cô, trân trọng giới thiệu cùng các bạn:
Khả năng ngoại cảm của cô Năm Nghĩa có từ đâu?
Chị Vũ Thị Minh Nghĩa 57 tuổi, quê ở tỉnh Thái Bình, là con nhà nông, học hết lớp 7 thì ra phố sống bằng nghề làm đậu phụ và nuôi lợn nên bà con quen gọi là Nghĩa Đậu. Năm 1970 chị vào bộ đội, sau mấy năm lên đến quân hàm thiếu uý. Sau năm 1975 chị xuất ngũ. Chồng chị cũng từng là lính lái xe Trường Sơn. Vợ chồng chị có 4 con, 2 trai 2 gái, tất cả đều được học hành đầy đủ. Hiện chị trú tại ấp Bắc 2 - xã Hoà Long - thị xã Bà Rịa - Vũng Tàu.
Theo lời chị Năm Nghĩa kể thì sau khi việc gia đình tạm ổn, lòng chị dấy lên nỗi nhớ thương đồng đội khôn nguôi. Đêm đêm, chị rơi vào giấc ngủ chập chờn, trong đầu cứ hiện ra những cảnh chị từng giáp mặt trong cuộc chiến đấu vô cùng ác liệt: anh em bị thương cụt tay, cụt chân, lòi ruột, các tử sĩ máu me đầy người, chân tay co quắp, không người vuốt mắt khi chôn cất… Chị thức khuya để xem các mục “Nhắn tìm đồng đội” rồi lên sân thượng, ngồi hướng về phía Nam mà thương cảm, khóc lóc. Rồi chị lâm bệnh. Trong nhiều giấc mơ, chị đã được tiếp xúc một hình bóng tâm linh mà chị tôn kính gọi là “Đức ông”. Trong mơ, chị đã đề đạt 2 nguyện vọng với “Đức ông” là cho chị khả năng nhìn thấy hài cốt liệt sĩ dưới mặt đất và trở lại chiến trường xưa để tìm mộ đồng đội. “Đức ông” đã đồng ý và để chị chết lâm sàng 12 giờ liền. Có lẽ trong thời gian đó, “Đức ông thực hiện sự thanh lọc cơ thể chị cho phù hợp khả năng ngoại cảm sau này”.
Sau trận ốm, chị Năm Nghĩa như bị ngớ ngẩn. Một số người thiếu thiện chí gọi chị là “Nghĩa điên”. Được chồng con thông cảm và Chi bộ đảng đồng ý, chị một mình trở lại chiến trường xưa, ngày ngày khoác ba-lô, cơm nắm đi vào rừng tìm kiếm hài cốt đồng đội. Công việc do chị tự nghĩ ra và làm chứ chẳng phải theo yêu cầu hay hợp đồng với ai, tuy vất vả nhưng mau chóng có kết quả. Cách làm của chị cũng chưa từng có: tìm hài cốt trước, hỏi tên tuổi và quê quán liệt sĩ sau, thông tin do chính liệt sĩ cung cấp.
Thời gian đầu, bà Bảy Dung, một thân nhân liệt sĩ ở Thủ Dầu Một (Bình Dương) để chị Năm Nghĩa sử dụng riêng một ngôi nhà. Về sau, do hài cốt đưa về mà chưa tìm được người thân quá nhiều, để hết cả chỗ nên chị phải mắc võng nằm trên lối đi chừa ra giữa nhà. Năm 1999, một người hảo tâm khác là ông Dũng đã giúp chị một mảnh đất rộng tại truông Bồng Bông và tài chính để lập ra nghĩa trang tình thương, an táng tạm thời các hài cốt chưa liên hệ được với gia đình. Đến đầu năm 2000, số liệt sĩ yên nghỉ tạm tại đây đã là hơn 600, có xây bia ghi danh chu đáo. Có ngày tìm được 54 bộ hài cốt của một đại đội hi sinh năm 1964 trong địa đạo bị vùi lấp. Riêng đợt 27-7-2000, chị đã tìm được 79 hài cốt.
Khả năng ngoại cảm của chị Năm Nghĩa có nét đặc trưng riêng so với các nhà ngoại cảm khác. Cũng như nhà ngoại cảm Phan Thị Bích Hằng, chị có thể nghe tiếng nói, nhìn thấy và trao đổi với vong linh bằng lời. Ngoài ra, chị còn có thể chủ động mời vong linh nhập vào mình và trò chuyện bình thường với nhiều người. Khả năng này của chị có thể giúp rất nhiều cho các nhà nghiên cứu muốn đi sâu tìm hiểu các sinh thể vô hình nói riêng và thế giới tâm linh nói chung.
Các gia đình có liệt sỹ hy sinh có nhu cầu tìm hài cốt, có thể tìm đến cô Năm Nghĩa theo địa chỉ sau:
- Nhà tình nghĩa Ấp Bắc 2, xã Hòa Long, thị xã Bà Rịa - Vũng Tàu
- Điện thoại: 064-3821397, Di động: 0903616818
Một số hình ảnh về cô Năm Nghĩa:
TT. Nguyễn Tấn Dũng tại điểm khai quật ở Phú Quốc |
Sau đây là câu chuyện ghi nhận một chuyến tìm hài cốt liệt sỹ đã hy sinh tại nhà tù Phú Quốc, được cho là cuộc tìm kiếm hài cốt lớn nhất Việt Nam từ trước đến nay, hơn 1000 bộ hài cốt được tìm thấy và quy tập về nghĩa trang huyện đảo Phú Quốc, cuộc tìm kiếm hiện vẫn còn đang tiếp tục...
--------------------------------------------------------------------
Hành trình tìm kiếm 4.000 hài cốt ở Địa ngục trần gianSở dĩ Mỹ chọn Phú Quốc để lập trại giam tù binh với số lượng lớn nhất (khoảng 40.000 người) là bởi Phú Quốc nằm giữa biển, cách biệt ngàn trùng với đất liền nên dễ đàn áp, bưng bít dư luận, tránh được những cuộc tấn công để giải thoát tù binh và hạn chế được những cuộc vượt ngục.
Tượng đài Nắm Đấm |
Đây có lẽ là cuộc kiếm tìm hài cốt lớn nhất trong lịch sử Việt Nam, dẫu đó là đại ngàn Trường Sơn hay vùng đất Quảng Trị một thời rực lửa. Những trang sử tù đày đen tối, một lần nữa, lại ùa về đến buốt lòng.
Những hầm hài cốt tập thể xương chồng chất tầng tầng, lớp lớp sâu đến 7-8m. Những bộ hài cốt không còn nguyên hình hài mà trên xương sọ, xương sống, xương ống chân.. vẫn còn găm đến 12 cái đinh mười…
Tất cả, hiển hiện buốt lòng trước thanh thiên. Những dòng nước mắt xót cay. Những tiếng nấc tắc nghẹn. Và đây đó, bật lên cả những tiếng chửi thề uất hận… Để rồi, thấy cồn cã, da diết một nỗi niềm: phải sớm tìm đưa các anh về cố hương dù chỉ là một nắm đất nâu, một dúm xương tàn… Đó là nghĩa cử, là món nợ ân tình mà lẽ ra, chúng ta phải trả từ lâu.
Có mặt ngay từ những ngày đầu của cuộc kiếm tìm hài cốt lớn nhất trong lịch sử ở nơi từng được coi là "địa ngục trần gian" ấy, nhà báo Hoàng Anh Sướng đã tâm huyết gặp gỡ nhiều nhân chứng, dày công thu thập được nhiều tư liệu quý giá để rồi thắt lòng dựng lên những sự thật vừa kinh hoàng, vừa đau đớn, vừa xúc động về hành trình xây dựng "địa ngục trần gian Phú Quốc", về những đòn đánh đập, tra tấn tàn độc, dã man như thời trung cổ, về những cái chết thảm khốc của 4.000 tù nhân và cả hành trình truy tìm những hầm mộ tập thể có một không hai…
Kỳ 7: Nước mắt rơi chốn "Địa ngục trần gian"
Chúng tôi có mặt tại Phú Quốc vào đúng giai đoạn cao điểm của cuộc khai quật, tìm kiếm những hầm mộ liệt sĩ lớn nhất trong lịch sử. Hai chiếc máy xúc khổng lồ ầm ào bạt đồi, đào bới suốt ngày đêm khiến vạt rừng nguyên sinh bao năm thâm u, nay ồn ã như một đại công trường.
Hài cốt các anh hùng liệt sĩ được tìm thấy |
Hố chôn tập thể 513 tù binh |
- "Chưa bao giờ đội K.92 phải huy động nhiều máy móc như thế này. Vì hài cốt nằm chồng chất tầng tầng lớp lớp dưới lòng đất sâu 6-9m, bên trên lại toàn đất đá sỏi nên cuốc xẻng không thể làm gì được. Trước khi bắt tay vào hành trình khai quật, một ban tìm kiếm được thành lập gồm 40 đồng chí lão luyện, tinh thông nghề nghiệp nhất của đội K92 do đích thân phó chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Kiên Giang làm trưởng ban. Đội ngũ này từng lập nên kỳ tích: tìm kiếm được 1.202 hài cốt bộ đội tình nguyện Việt Nam tại chiến trường Campuchia một thời khói lửa. Chưa bao giờ Ban Tìm kiếm phải họp bàn kỹ lưỡng như đợt này. Mất cả tháng trời khảo sát hiện trường, dò gỡ bom mìn, phát quang rừng rậm, xẻ bạt đồi núi. Hàng ngàn mét vuông rừng già và cây dại đã được dọn sạch một cách bất đắc dĩ".
"Dừng lại! Dưới chân máy là 5 bộ hài cốt" - Tiếng nhà ngoại cảm Vũ Thị Minh Nghĩa (Năm Nghĩa) gào to cắt đứt cuộc trò chuyện giữa tôi và trung tá Nguyễn Văn Cao. Các chiến sĩ trẻ đội K92 túc trực trên miệng hầm vội nhảy xuống hầm mộ sâu đến 5m, rộng hơn 100m2. Tay cuốc, tay xẻng, họ nhẹ nhàng đào bới và nước mắt rưng rưng khi đếm đủ 5 bộ xương người.
Suốt mấy tháng trời, nhà ngoại cảm Vũ Thị Minh Nghĩa đã lăn lộn cùng anh em đội K92. Kinh nghiệm của mấy mươi năm vượt núi, băng sông, một mình mò mẫm trong những cánh rừng thâm u để tìm kiếm được hàng chục ngàn hài cốt liệt sĩ cộng với linh cảm đặc biệt mà hồn thiêng sông núi, liệt tổ liệt tông đã hun đúc cho chị nên sự có mặt, góp sức của chị trong cuộc khai quật, tìm kiếm này vô cùng giá trị.
Ở hầm mộ thứ nhất, chị Năm Nghĩa và anh em đội K.92 đã tìm được 513 hài cốt.
Hầm mộ thứ hai: 508 hài cốt.
Hầm mộ thứ ba: 118 hài cốt.
Hầm mộ thứ tư: 80 hài cốt.
Chỉ trong vòng 6 tháng, chị và đội K92 đã tìm và cất bốc được hơn 1.000 hài cốt liệt sĩ - một "kỳ tích" khiến nhiều người không biết nên buồn hay vui, muốn xót xa cùng các liệt sĩ hay chúc mừng "thành công" của đội K92 nữa.
Có điều, để lập nên "kỳ tích" ấy, chị và các chiến sĩ đội K92 đã phải làm việc quần quật từ sáng sớm đến chiều muộn. Khi những chiếc máy xúc "ngoạm" những gàu đất sỏi cuối cùng, chạm đến tầng xương cốt, cũng là lúc công việc của chị và đội K92 bắt đầu.
Tất cả mọi động tác phải hết sức nhẹ nhàng bởi lẫn vào từng thớ đất, từng nắm sỏi cát kia là những mẩu xương người. Mắt phải căng lên để nhặt xương cho kỹ, nhặt cả những thớ đất nâu mờ mờ hoa thổ. Kinh nghiệm mấy mươi năm đào bới hài cốt mách bảo chị rằng: đó là thịt xương của các chiến sĩ bị phân hủy sau mấy chục năm đằng đẵng vùi sâu dưới lòng đất lạnh. Cho nên phải nhặt cho hết bởi để sót mẩu xương nào là có tội với tiền nhân, có tội với những anh hùng quên thân mình vì nghĩa lớn.
Mặc cho cái nắng chang chang vùng biển dội lửa xuống hầm nóng hầm hập, mặc cho sỏi đá cào rách tay, thậm chí, cả chất độc hóa học mà địch đổ xuống nhằm hủy thân xác các tù nhân cộng sản ăn nứt bàn tay nhức buốt, da thịt sần sùi, tấy đỏ như miếng cháy của nồi cơm quá lửa, chị và các chiến sĩ đội K92 vẫn miệt mài đào bới, nhặt nhạnh. Đi găng tay chống độc ư? Hàng ngàn đôi đã được nhân dân cả nước đóng thùng gửi ra cho các anh, các chị. Nhưng đi găng vào việc lần tìm từng mẩu xương trong đất đá sẽ rất khó vì không thật tay. Hàng thúng hương trầm nghi ngút khói thắp khắp trên miệng hố mà sao mùi tử khí vẫn nồng nặc khiến một vài chiến sĩ trẻ phải nhao khỏi miệng hố, chạy vào góc rừng nôn thốc nôn tháo. Ai cũng gầy rộc đi. Có người còn bị sốt sình sịch. Nhưng không ai bỏ cuộc. Cứ cắt cơn sốt là lại nhảy xuống hầm đào.
Giơ bàn tay sưng tấy, mưng đỏ vì bị nhiễm chất độc hóa học lên gạt nước mắt, chị Năm Nghĩa vừa khóc, vừa kể:
- "Đau lòng lắm em ạ. Mười mấy năm đi tìm hài cốt liệt sĩ, bàn tay chị đã cất bốc hàng chục nghìn nấm mộ nhưng chưa ở đâu và chưa bao giờ, hài cốt lại nhiều như ở đây. Tầng tầng lớp lớp. Ở hầm mộ thứ nhất, khi đào đến tầng xương thứ 6, chị bật khóc khi thấy đầu của các anh ấy một bên, xương cốt một bên.
Hỏi chuyện các anh, mới biết: sau khi địch tra tấn các anh đến chết, chúng lôi xác ra miếng hố, dùng xẻng chặt đứt đầu rồi lăng xuống. Có hộp sọ còn dính 2 cây đinh mười phân cắm phập. Ở hầm mộ thứ hai, sau khi nhặt hết lớp xương thứ ba thì chạm vào lớp đá tảng. Các em ở đội K92 bảo hết rồi. Nhưng chị bảo: bên dưới vẫn còn hài cốt. Nhưng đá to quá, nặng cả tấn. Sức người không thể kéo được nên phải dùng máy cẩu. Nhìn những tảng đá sừng sững lôi lên khỏi hầm hài cốt, ai cũng lạnh sống lưng. Nó to ngần ấy, nặng ngần ấy, nện lên thi thể gầy guộc, tong teo của các tù nhân thì nát bấy như người ta giã giò còn gì hả em. Tàn độc hơn, chúng còn đổ cả chất độc hóa học xuống hầm nhằm hủy hoại thân xác tù nhân. Cho nên, khi đào bới, nhiều hộp sọ hay đốt xương của các anh còn nguyên. Nhưng khi vừa đụng tay vào là vỡ vụn như cám.
Đúng là bọn địch tàn độc hơn cả ác quỷ. Chúng giết các anh đến mấy lần. Chúng định hủy hoại vĩnh viễn thân xác các anh để hậu thế mãi mãi không bao giờ tìm thấy, tội ác tày trời của chúng vĩnh viễn chìm lấp trong bóng tối. Nhưng không, chính linh hồn các anh đã mách bảo, chỉ dẫn cho chúng ta tìm thấy".
Đội K92 cẩn thận nhặt từng mẩu cốt |
- "Có bộ xương bị đóng tới 16 cái đinh mười (đinh to như ngón tay), có bộ được chằng trói bằng dây thừng, dây nhựa dẻo rất tàn độc. Gần 300 chiếc đinh được nhặt ra khỏi các xương sống, sương ống chân, ống tay, xương sọ... khi đem giao nộp cho cán bộ văn hóa địa phương để "trưng bày", anh em phải đựng trong chiếc thúng to, oằn lưng khiêng, ai trông thấy cũng bật khóc. Có người chửi thề chí mạng vì căm phẫn.
Có lẽ, bức ảnh về cái xương sọ người bị cắm đinh trong Nhà trưng bày tội ác ở Nhà tù Phú Quốc lâu nay, cũng sẽ phải... gỡ xuống để thúng đinh từng cắm vào sọ hàng trăm chiến sĩ cách mạng mới được khai quật vào "thế chỗ" thì mới xứng tầm. Nhiều đêm, tôi cứ lẩn thẩn nghĩ, không biết chúng nó đóng thế nào mà đinh cắm ngần ấy chiếc vào một thi thể được? Đinh cắm vào thịt thì nó sẽ tự rụng ra khi cơ thể người tù bị phân hủy, vậy thật ra là bao nhiêu cái đinh tất cả được cắm vào thi thể người tù bị đóng nhiều đinh nhất khi chưa bị đem quẳng xác ngoài bìa rừng?".
Hơn 2.000 hài cốt được tìm thấy trong tổng số 4.000 người đã bỏ mạng ở địa ngục trần gian này, chỉ duy nhất anh Nguyễn Văn Khai (người Thanh Hóa) là có tên. Theo các cựu tù Phú Quốc, khi tù binh bị giết chết nhiều quá, lại sợ du kích tấn công bất ngờ, bọn cai ngục bèn bắt bạn tù của anh Khai đem đồng đội đi chôn và một người bạn tù đã nhanh tay ghi tên Nguyễn Văn Khai rồi nhét vào túi nylon dán kín lại.
Hôm thắp hương cho các liệt sĩ ở tượng đài Nắm Đấm, tôi đã không thể kìm được những tiếng nấc nghẹn khi nhìn bàn tay gầy guộc, chai sần của anh Cao, chị Năm Nghĩa lần giở từng gói hài cốt được bó chặt như bó giò xếp trong những chiếc hòm gỗ lớn, đánh số chi chít. Khi còn sống, các anh đều có tên, có tuổi. Giờ nằm đây, tất cả đều vô danh, ai cũng như ai, ai cũng là người cộng sản chân chính đã sống đến giọt sống cuối cùng vì quê hương. Nhìn ra ngoài trời, mưa giăng trắng xóa. Ngẫm về kiếp người sao cứ thấy nghèn nghẹn, mênh mang. Nhưng dẫu sao, họ vẫn còn may mắn hơn hàng nghìn người còn vùi thân xác đâu đó dưới lòng đất lạnh, dưới những tán rừng sâu, da thịt, xương cốt chỉ còn là một vệt mờ mờ hoa thổ.
Quá nhiều nhân chứng (kể cả báo cáo của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Kiên Giang mới đây) đều chính thức nói về việc máy bay của bọn cai ngục đã chở những tù nhân đau ốm đi chữa bệnh rồi vĩnh viễn không bao giờ trở lại. Bởi những người tù xấu số ấy đã bị ném xuống đáy biển vịnh Thái Lan làm mồi cho cá dữ. Việc họ trở về là bất khả.
Trong suốt cuộc hành trình tìm kiếm hài cốt tù nhân cộng sản ở Phú Quốc, 3 đại lễ cầu siêu đã được Giáo hội Phật giáo Việt Nam tổ chức trọng thể và xúc động. Hàng trăm nhà lãnh đạo cao cấp của Đảng và Nhà nước, của các tỉnh, thành phố, hàng ngàn cựu tù binh và nhân dân cả nước đã đổ về Phú Quốc với niềm xúc động và xót thương vô hạn. Các chuyến bay, các chuyến tàu ra đảo đều chạy hết công suất vẫn không chở hết dòng người đang nóng lòng ra đảo. Chuyến nào cũng đông nghẹt. Điều kỳ lạ là cả ba lần làm lễ cầu siêu, cả ba lần trời đang nắng chang chang bỗng đổ mưa sầm sập. Mưa như trút nước, mưa như khóc than. Song không một ai trong số hàng ngàn người thành kính chắp tay nguyện cầu ấy che ô, che mũ. Họ vẫn đứng nghiêm trang trong mưa, trước nỗi đau và niềm xót thương còn lớn hơn giông gió. Ai cũng thấu hiểu đến tận cùng nỗi đau thương, mất mát mà những người tù cộng sản kiên trung phải gánh chịu. Giờ, đội mưa, đội nắng một chút, đâu có thấm tháp gì.
Tôi đã thắt lòng khi chứng kiến những chiếc tàu gỗ hối hả trở hàng ngàn chiếc tiểu sành từ đất liền ra đảo. Cái cảnh tấp nập trên bến dưới thuyền, hối hả khiêng vác những chiếc tiểu sành kia sao mà xúc động, xót xa đến thế. Lúc đầu, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Kiên Giang mua hàng trăm chiếc tiểu chở ra đảo. Cứ nghĩ số lượng ấy là đủ. Nhưng số lượng hài cốt tìm thấy cứ tăng vọt hàng ngày nên sở phải huy động khắp tỉnh, xuống cả tận Đồng Tháp Mười để thu mua rồi thuê tàu chở vượt 200km đường biển ra đảo. Chuyện thu mua tiểu quách với số lượng khổng lồ này cũng là một "kỷ lục" rơi nước mắt ở nơi từng là "địa ngục trần gian" Phú Quốc.
Anh Cao bảo:
- "Ngót nửa năm giời sống ở rừng thâm u, hoang vắng tột độ này với bạt ngàn bom đạn ém lại từ thời cũ, đôi lúc nhìn rừng mà chính anh em trong đội K92 còn thoáng rùng mình. Nhưng nghĩ đến những người còn vùi xác thân giữa hoang lạnh mịt mù, lại thấy lòng mình nức nở. Vợ tôi nằm viện mấy tháng nay, phải nhờ người trông. Tôi bám trụ ngoài "chiến trường" này, vì cảm thấy trách nhiệm của mình quá lớn. Cả núi xương của những người cộng sản quả cảm đang chờ được bàn tay đồng đội, đồng chí cất bốc. Cái vất vả của chúng tôi có thấm tháp gì so với địa ngục trần gian kinh hoàng mà hơn 40.000 người cộng sản đã bị đày đọa, có thấm gì so với hơn những cái chết đau đớn, tức tưởi của hơn 4.000 người đã ngã xuống kia?". Giọng anh Cao run run.
Những ngày ở Phú Quốc, tôi đã tận mắt chứng kiến cảnh ăn ở, sinh hoạt của anh và các chiến sĩ đội K92. Trong căn nhà quản trang bé tẹo nằm gần tượng đài Nắm Đấm, chục anh em mắc võng vào các song cửa, các cột kèo làm giường dã chiến. Những bữa cơm đạm bạc chỉ rau với cá biển mà cái đầu thực dụng của kẻ phố thị như tôi nhẩm tính, giá trị chỉ chừng vài chục nghìn đồng. Chợ búa xa xôi, tiền bồi dưỡng chỉ vỏn vẹn 40.000 đồng/ngày nên ăn uống phải dè xẻn. Thậm chí dè xẻn với cả nước uống. Đi bộ lóc cóc vài cây số, xin được mấy can nước mưa, nên phải dùng tặn tiện. Vợ ốm, con đau trong đất liền, lòng thì thương đứt ruột nhưng cũng chỉ điện dăm ba phút động viên gọi là.
Những ngày ở Phú Quốc, tôi cũng đã nhiều lần tận mắt chứng kiến cảnh mấy anh lính trẻ, người sốt sình sịch vẫn cứ nhao ra nắng lửa, với chai nước sôi để nguội giắt ở lưng, kiên nhẫn, tỉ mẩn đào bới, lấn mãi vào các cánh rừng bom đạn cũ, lấn mãi vào lòng đất sâu đỏ rượi, nơi vùi lấp hàng nghìn bộ di cốt tủi hờn câm lặng. Tôi chợt ngộ ra rằng: họ tận tụy, cần mẫn tìm kiếm hài cốt, không chỉ vì nhiệm vụ của một người lính mà cao hơn, họ đang xả thân vì một nghĩa cử, một món nợ ân tình mà lẽ ra chúng ta phải làm, phải trả từ lâu.
Hoàng Anh Sướng
* Các bạn có thể xem thêm những kỳ đăng trước trên trang web UIA: Kỳ 1, Kỳ 2, Kỳ 3, Kỳ 4, Kỳ 5, Kỳ 6 (Phan Thị Bích Hằng)
---------------------------------------------------
Dù biết chiến tranh là phải có mất mát đau thương, nhưng khi đọc xong loạt bài này, nhà báo đã mô tả quá chi tiết những hình thức tra tấn khủng khiếp như thời trung cổ... Đọc xong bài viết này thấy thật đau lòng cho anh linh chiến sỹ, cầu mong linh hồn các chiến sỹ được cứu rỗi, siêu thoát...
NAM MÔ A DI ĐÀ PHẬT.
Phi Điệp
---------------------------------------------------
Bài viết này sưu tầm từ nhiều nguồn: youtube, Ngoaicamvietnam.com.vn, UIA, HovuvoVietnam.com