1 tháng 6, 2013

Những câu chuyện bí ẩn vùng Thất Sơn - Núi Cấm

Bí ẩn Thất Sơn - Kỳ 1: Kỳ bí miếu Bà Chúa Xứ

TT - Thất Sơn - vùng đất “phên giậu” ven tuyến biên giới Tây Nam (thuộc tỉnh An Giang) - luôn ẩn chứa bao điều kỳ bí chờ đón khách hành hương...
Bệ tượng trên đỉnh núi Sam, nơi Bà ngự trước khi được thỉnh xuống và lập miếu thờ dưới chân núi - Ảnh: T.Đức
Án ngữ ngay cửa ngõ vào vùng Thất Sơn, từ nhiều năm qua miếu Bà Chúa Xứ núi Sam (thị xã Châu Đốc, An Giang) luôn giữ kỷ lục về lượng khách tham quan, chiêm bái, với trên 3 triệu lượt người mỗi năm. Người ta đến viếng Bà với lòng ngưỡng vọng, tôn kính trước bao huyền tích về nguồn gốc ra đời của tượng Bà, của ngôi miếu có bề dày lịch sử ngót 200 năm...

Tượng đá nghìn năm

Hạ tuần tháng 4 âm lịch, miếu Bà Chúa Xứ vào cao điểm lễ hội. Những dòng xe mang biển kiểm soát từ nhiều tỉnh thành trong cả nước nối đuôi nhau tụ về. Mọi người nhanh chân vào chánh điện dâng hương khấn bà, rồi tỏa ra các di tích lịch sử không kém phần nổi tiếng xung quanh: lăng Thoại Ngọc Hầu, chùa Tây An, chùa Hang...

 Anh lái xe ôm tên Thanh, đậu phía đối diện miếu Bà, mời tôi một chuyến tham quan đỉnh núi Sam, thăm vườn Tao Ngộ, pháo đài, viếng nơi Bà ngự... với giá 40.000 đồng cho cả hành trình lên, xuống núi.

Vừa chạy Thanh vừa kể vanh vách giai thoại về Bà: cách đây 200 năm, Bà ngự trên đỉnh núi. Một bữa có tốp người ngoại bang sang quấy nhiễu, gặp tượng Bà đã nổi lòng tham định ăn cắp. Nhưng Bà linh thiêng quá đỗi.

Kẻ trộm vừa xê dịch Bà được một đoạn đường ngắn thì kỳ lạ thay, Bà trở nên nặng trịch không sao chuyển nổi. Họ tức mình, dùng cây đập phá làm gãy mất một cánh tay của tượng (giờ dấu vết phục chế vẫn còn) rồi bỏ đi.

Liền sau đó, Bà nhập vào một cô gái ở chân núi, xưng là Chúa xứ thánh mẫu, bảo dân làng cử chín cô gái đồng trinh mang kiệu đến rước Bà xuống núi. Quả nhiên, khi chín người con gái được chọn mang kiệu lên đón thì tượng Bà trở nên nhẹ tênh. Đoàn thỉnh Bà đi một mạch xuống núi, tới chỗ miếu tọa lạc hiện nay thì bỗng nhiên không thể nào nhấc kiệu lên được nữa. Dân làng nghĩ Bà muốn ngự tại đây nên lập miếu thờ...

Đó là câu chuyện Thanh đã thuộc lòng sau nhiều năm tham dự lễ tái hiện cảnh rước Bà từ đỉnh núi Sam xuống miếu. Theo lời kể của nội anh, người từng tham gia trong hội quý tế miếu Bà từ trước năm 1975 (về sau đổi lại là ban quản trị lăng miếu), nguyên nhân ra đời của ngôi miếu có khác: vào đầu thế kỷ 19, Thoại Ngọc Hầu phụng mệnh vua đi bình giặc ở biên giới và đào kênh Vĩnh Tế.

Chánh phẩm phu nhân Châu Thị Tế ở nhà âu lo, ngày ngày lên núi, đến trước tượng Bà cầu khấn cho chồng và dân binh luôn bình an, công việc mau chóng thu được kết quả như ý. Khi Thoại Ngọc Hầu hoàn thành sứ mệnh trở về, nghe phu nhân kể lại câu chuyện đã cho người lên núi thỉnh Bà về lập miếu thờ...

Dù có nhiều giả thuyết khác nhau, nhưng tất cả đều có điểm chung là tượng Bà có nguyên gốc là một pho tượng cổ, từ nơi khác chuyển đến bằng thuyền và đặt trên đỉnh núi Sam. Ông Thái Công Nô, phó ban quản trị lăng miếu núi Sam, cung cấp một tư liệu đáng chú ý: “Vào năm 1941, nhà khảo cổ người Pháp tên là Louis Malleret đã đến miếu Bà Chúa Xứ núi Sam khảo sát rất tỉ mỉ và sau đó đã công bố kết luận: tượng Bà thuộc loại tượng thần Vishnu, tạc dáng ngồi nghĩ ngợi, quý phái, bằng chất liệu đá son, có giá trị nghệ thuật cao, ra đời vào khoảng cuối thế kỷ thứ 6”.

Nhà văn, nhà biên khảo Trịnh Bửu Hoài, nguyên chủ tịch Hội Văn học nghệ thuật tỉnh An Giang, người đã dành hàng chục năm tìm hiểu về lăng miếu núi Sam, góp thêm thông tin mà ông ghi nhận từ các vị kỳ lão: thuở xa xưa cách nay mấy ngàn năm, núi Sam là một hòn nhô lên khỏi mặt biển, tượng Bà được di chuyển đến bằng thuyền, đặt lên đỉnh núi. Rồi sau đó tới thời kỳ biển lùi, núi Sam nhô cao lên như ngày nay. Điều này trùng khớp với việc phát hiện bệ đá hình vuông, mỗi bề rộng 1,6m, dày 0,3m, chính giữa có lỗ vuông, cùng chất liệu với tượng Bà. Đó là loại trầm tích thạch màu xanh đen, hạt nhuyễn, nguồn gốc không phải ở địa phương. “Nền văn hóa Óc Eo ở An Giang được khai quật và sưu tầm nhiều hiện vật cổ, tượng Bà Chúa Xứ núi Sam cũng không loại trừ là một pho tượng của nền văn minh này” - ông Hoài đặt nghi vấn.

“Vía” Bà, tượng ông

Trong công trình sưu khảo “Đồng bằng sông Cửu Long - nét sinh hoạt xưa” (NXB Trẻ), nhà văn Sơn Nam cũng đưa ra nhận định, đại ý: tượng Bà là pho tượng Phật đàn ông của người Khmer bị bỏ quên lâu đời trên đỉnh núi Sam. Người Việt đưa tượng vào miễu, điểm tô lại với nước sơn, trở thành đàn bà mặc áo lụa, đeo dây chuyền. Và từ đó, Bà Chúa Xứ là vị thần có quyền thế lớn...

Lần giở nguồn tư liệu người ta không khỏi giật mình trước giả thuyết: “Tượng Bà đang thờ phụng trong miếu hiện nay thật ra tượng của một người nam!”. Có tài liệu còn miêu tả khá tỉ mỉ: “Thực chất tượng Bà là một pho tượng đá, thể hiện dáng hình một người đàn ông trong tư thế ngồi, chân phải để gập, co gối, chống thẳng bàn chân xuống mặt bệ đá; chân trái xếp bằng tròn, mũi bàn chân giáp với chân phải. Tay phải của tượng thả một cách tự nhiên, bàn tay úp trên đầu gối phải; tay trái ở tư thế chống nạnh, bàn tay xoải phía sau đùi trái...”.

Chúng tôi đã tìm đến thạc sĩ sử học Trần Văn Dũng - phó trưởng Ban tuyên giáo Thị ủy Châu Đốc (An Giang), tác giả của công trình khoa học “Lịch sử khai phá vùng đất Châu Đốc” (1757-1857) - để nhờ ông xác nhận nguồn tin. Không chút do dự, ông Dũng khẳng định ngay: “Tượng Bà Chúa Xứ thật ra là tượng nam, ngồi ở tư thế vương giả. Phần đầu của tượng hiện thờ tại miếu Bà không phải là nguyên gốc, được chế tác sau, bằng loại đá không giống với thân tượng!”.

Có thời gian người ta đồn tượng Bà ngày càng cao, lớn thêm, thậm chí có người còn nói không thể chụp ảnh tượng Bà bởi lúc rọi ảnh chỉ thấy một vệt trắng. “Thật ra có lúc nhiều khách thập phương đến hỉ cúng áo mão, đã yêu cầu mặc ngay vào tượng Bà để họ làm lễ, lần lượt số áo mặc chồng lên càng nhiều khiến người ta lầm tưởng tượng Bà lớn lên. Còn việc đồn đoán không chụp được ảnh tượng Bà cũng là tin đồn thất thiệt, nhân việc ban quản trị cấm du khách chụp ảnh Bà nhằm tránh bị kẻ xấu lợi dụng để buôn thần bán thánh” - ông Thái Công Nô giải thích.
“Tập quán tín ngưỡng của người Việt là hay thờ nữ thần, và rất có thể Bà Chúa Xứ được dựng lên theo chủ ý của Thoại Ngọc Hầu. Trước tình hình dịch bệnh hoành hành, lam sơn chướng khí bào mòn sức dân, làm cho lòng người dao động, Thoại Ngọc Hầu đã cho thỉnh pho tượng từ trên núi xuống và lập miếu thờ Bà để người dân thêm vững tâm, tin tưởng đã có thế lực siêu nhiên phù hộ, chở che, từ đó thêm đoàn kết, quyết tâm vượt qua những khó khăn để xây dựng cuộc sống trên vùng đất “phên giậu” của đất nước” - TS Lâm Quang Láng, phó giám đốc Sở VH-TT&DL, phó chủ tịch Hội Sử học tỉnh An Giang, cho biết.
TẤN ĐỨC

Nguồn: Báo tuổi trẻ


Bí ẩn Thất Sơn - Kỳ 2: Nơi lưu dấu cao nhân

TT - Anh Vũ sơn hay núi Ông Két là một trong bảy ngọn núi làm nên biểu tượng Thất Sơn. Có tên gọi này là vì lưng chừng núi nhô ra một mỏm đá lớn, từ xa trông hệt như đầu con chim két. Điều đặc biệt là núi chỉ cao 225m, dài 1.100m, nhưng từ chân núi lên tới đỉnh có tới hơn 23 điểm thờ cúng liên quan tới các truyền thuyết, điển tích dân gian.
Ông Sơn 'đào', người 'đánh thức' núi Két - Ảnh: Tấn Đức
Núi thiêng

Ngày nay nói tới Thất Sơn người ta thường liên tưởng tới vùng đất rộng lớn chạy dài từ núi Sam vào tới huyện Tịnh Biên rồi vòng sang Tri Tôn. Vùng này thật ra có tới gần 40 ngọn núi, nhưng hiếm có nơi nào lại lưu dấu nhiều bậc cao nhân như núi Két. Ngọn núi này có rất nhiều hang động, là nơi có nhiều cao nhân về đây tu hành.

Một trong những người được nhắc tới nhiều nhất là danh tăng Đoàn Minh Huyên (tức phật thầy Tây An), người sáng lập giáo phái Bửu Sơn Kỳ Hương, đồng thời cũng là nhà yêu nước, nhà dinh điền có công khai hoang nhiều vùng đất ở miền Tây Nam bộ. Ông có nhiều đệ tử giỏi, là danh tăng, lãnh tụ nghĩa quân kháng Pháp như đức cố quản Trần Văn Thành, Đạo Thắng, Tăng Chủ, Đạo Xuyến, Đạo Lập... Đức Huỳnh Phú Sổ - người lập nên hệ phái Phật giáo Hòa Hảo, cũng từng lưu lại ngọn núi này và hiện tại đây vẫn còn điện thờ ông.

Ngoài ra, một nhân vật khá nổi tiếng từng đến núi Két tu tập là cụ Cử Đa (Nguyễn Văn Đa), quê ở Phù Cát, Bình Định (cũng có tài liệu nói quê cụ ở Mỹ Tho, Tiền Giang), thi đỗ cử nhân võ, tham gia chống Pháp. Việc lớn không thành, Cử Đa bị Pháp truy gắt quá đã vào miệt Thất Sơn ẩn tu, lấy đạo hiệu là Ngọc Thanh. Người ta đúc kết trước sau đã có hơn mười vị cao nhân đến núi Két tu hành đắc đạo. Chính điều đó đã làm nên sức hút cho ngọn núi thiêng này, với những ngày cao điểm có tới vài ngàn lượt khách hành hương chiêm bái.

Tạo hóa ban tặng cho núi Két nhiều cảnh đẹp hoang sơ, có phần huyền bí. Điện Huỳnh Long được lập trên một tảng đá khổng lồ, bên cạnh khoảng sân rộng. Nơi đây, phật thầy Tây An cùng các môn đệ đã có thời gian tham thiền tĩnh tọa. Điện U Minh án ngữ nơi cửa hang sâu, có tượng Thanh xà, Bạch xà trấn yểm, lại thêm Ngưu đầu, Mã diện mặt mày dữ tợn, cầm đao thương răn đe người đời không được làm điều trái đạo.

Ngay dưới nền điện có một miệng hang vừa một người chui lọt, được đậy tôn cẩn thận. Đường xuống hang ngoằn ngoèo, chỉ vừa một người chui, nhưng qua một đoạn chừng mươi thước hang đột nhiên trở nên rộng rãi rồi ăn thông ra vách đá cheo leo. Trong hang có mấy phiến đá rộng khá phẳng, tương truyền là nơi cụ Cử Đa từng ngồi tu luyện trong những ngày buồn nản vì chí lớn không thành. Trong hang này còn một ngách dẫn tới hang khác sâu và rộng hơn. Người ta kể trước năm 1975 có một số ẩn sĩ tìm đến đây để ẩn tu, nhưng sau khi họ đi xuống không thấy ai trở lên. Cách đây hơn 10 năm, khi đưa vào khai thác du lịch, ngách rẽ này được xây bít lại bằng bêtông để đảm bảo an toàn cho khách hành hương có ý khám phá tận cùng hang động.

Từ chân núi đi lần tới đỉnh, khách hành hương xem chừng đã thấm mệt. Ngước nhìn lên hòn đá to, chiều cao dễ tới trên 20m, lại thấy hiện ra giếng tiên. Kỳ lạ thay, giữa non cao lộng gió lại sinh ra cái giếng tròn, ăn sâu vào phiến đá như nắm tay của người khổng lồ tạo ra. Nước lấy lên từ lòng giếng ngọt lịm, mát và trong như nước cất, quanh năm không cạn. Cho đến giờ chưa ai lý giải được duyên cớ nào đã sinh ra giếng. Có điều chắc chắn giếng đã tồn tại từ rất lâu, bởi miệng giếng mòn nhẵn có chỗ hằn sâu dấu chân người cúi xuống lấy nước.

Người đánh thức núi

So với những núi khác trong Thất Sơn, núi Két còn giữ được nhiều nét nguyên sơ thiên tạo. Từ các cảnh trí lộ thiên tới các hang, động, điện thờ đều giữ được nét nguyên sơ. Sự đầu tư có giới hạn và đúng mực này giúp khách hành hương tiếp cận một cách sống động hơn với những điển tích, truyền thuyết về ngọn núi mà mỗi người đã được nghe, được biết qua sử sách.

Ít người biết có được như vậy là nhờ bàn tay của vợ chồng ông chủ núi Nguyễn Văn Sơn (61 tuổi) - Nguyễn Thị Hòa Liên (63 tuổi). Ông Sơn là dân Châu Phú (An Giang), hơn 30 năm trước vì cuộc sống khó khăn đã đưa vợ lên đây lập nghiệp. Hồi ấy phong trào trồng đào (điều) lấy hạt đang thịnh. Ông Sơn nhận việc gánh đào thuê từ trên núi xuống cho các chủ vườn trong vùng. Biệt danh Sơn “đào” ra đời từ đó. Gánh thuê cả chục năm, cộng với nghề mua bán củi từ những vườn đào già cỗi, cần phá bỏ để trồng mới, vợ chồng Sơn “đào” đã dành dụm được ít vốn sang lại đất của các chủ vườn trên núi. Gặp lúc đào xuống giá, nhiều người đua nhau bán hết vườn, chuyển hướng làm ăn. Dạo trước, muốn lên núi Két phải vẹt cây rừng, leo qua nhiều vách đá hiểm trở nên chưa có nhiều người biết tới những vẻ đẹp thiên tạo của ngọn núi này.

Riêng vợ chồng Sơn “đào” do có thời gian dài bám núi mưu sinh, nơi nào cũng đã lui tới, đã sớm nhận thấy tiềm năng du lịch của núi Két nên không ngần ngại đầu tư mua đất. Lần hồi vợ chồng ông đã làm chủ hơn 20ha đất, trải dài từ chân lên tới đỉnh núi Két. Có đất, ông lại lao vô làm đường. Như con dã tràng, ngày này qua tháng nọ, vợ chồng ông âm thầm xeo từng viên đá, phát từng bụi dây leo rậm rạp ngáng đường. Những chỗ hang hốc, vách đá dựng đứng như đường ra mỏ ông Két, lên bàn chân tiên, điện ngọc hoàng hay xuống giếng tiên, vào hang chiến sĩ, hang Cử Đa..., ông xây bậc, bắc cầu treo để du khách dễ dàng tiếp cận. Ông mua thêm cây xanh về giặm vá mấy chỗ vườn đào ngày trước người ta đã đốn bỏ, để lại các mảng “da beo”.

Số tiền thu được từ nguồn bán vé, vợ chồng ông đầu tư đưa điện, nước sinh hoạt lên đỉnh núi. Đặc biệt, ông cắt cử một đội chuyên đi làm vệ sinh, mỗi ngày hai lần tại các địa điểm khách dừng chân. Một tuần ba lần có người đi gom rác, quét dọn hết tuyến đường từ trên núi xuống. Trên đỉnh núi ông lại cho xây dựng một căn nhà rộng, lúc nào cũng giăng mắc sẵn mấy chiếc võng để du khách nghỉ ngơi sau hành trình leo núi. Khách có ý ngủ lại qua đêm cũng được phục vụ chu đáo.

Đầu tư hàng chục tỉ đồng để làm du lịch, làm trên trọn một quả núi hẳn hoi, nhưng ông chủ Sơn “đào” vẫn áo nâu, chân đất như một tiều phu ngày nào. Ông Sơn “đào” tâm sự: “Tui không nghĩ mình đang kinh doanh, không đặt nặng chuyện lời lỗ, mà quan trọng là làm sao gìn giữ được hồn thiêng mà đất trời và tiền nhân mang lại cho quả núi này”.

TẤN ĐỨC

Nguồn: Báo tuổi trẻ


Bí ẩn Thất Sơn - Kỳ 3: Đạo sĩ trăm tuổi
TT - Những ngày qua, khách hành hương đổ về núi Cấm mong được chiêm ngưỡng tượng Phật Di Lặc vừa được xác lập kỷ lục cao nhất châu Á.
Đạo sĩ Nguyễn Văn Y (Ba Lưới) - người được xem như 'pho sử sống' của vùng Thất Sơn - Ảnh: Tấn Đức
Ông Ba Lưới (Nguyễn Văn Y), đạo sĩ hiếm hoi còn lại của miệt Thất Sơn, hiện là trưởng ban quản tự chùa Phật Lớn (ấp Thiên Tuế, xã An Hảo, huyện Tịnh Biên, An Giang), cũng âm thầm sống vui với những “kỷ lục” mà chỉ riêng ông mới thấu hết giá trị của nó: người đã hành nghề thầy thuốc lâu nhất ở núi Cấm (hơn 70 năm) và người đã hai lần chém xà tinh trừ hại cho dân.

Từ anh chài lưới...

Muốn tìm ông Ba Lưới hả, thôi thì cứ đi cầu may. Ông già trăm tuổi nhưng chưa chịu nghỉ, hễ rảnh rang là đi tìm cây thuốc quý” - ông Tư Ngần (58 tuổi), nhà ở ấp Thiên Tuế, cho hay khi chúng tôi nhờ ông đưa đến diện kiến “lão tiền bối” Ba Lưới. Mất hơn mươi phút cho xe máy đi số 1, rú hết ga để trèo qua những con dốc dựng đứng khiến người và xe như muốn lộn ngược ra phía sau, chúng tôi mới lên được vồ Đá Dựng, nơi đạo sĩ Ba Lưới và người vợ kém ông hơn hai con giáp chọn để dựng lên “hữu tình cốc”.

Lão đạo sĩ vừa đi rừng về, đang nằm đong đưa trên chiếc võng trước hiên nhà. Đưa bàn tay khẳng khiu vuốt chòm râu trắng, lão đạo sĩ khề khà kể chuyện với khách phương xa mà như đang tâm tình với con cháu trong nhà: “Dòng họ tao là dân sông nước, sinh trưởng ở miệt cù lao Giêng (Chợ Mới, An Giang). Hồi nhỏ tao thường bơi ghe ngang dọc khắp Cái Tàu, Vàm Nao, Ông Chưởng để chài lưới kiếm cá đổi gạo. Không biết cơ duyên nào đưa tới, khoảng đầu thập niên 1930, khi sắp vô tuổi 20, tao lén nhà vác theo mấy tay lưới, hỏi đường lội bộ suốt hai ngày lên tới Thất Sơn, rồi lần hồi vẹt rừng lần lên tới đỉnh núi Thiên Cấm sơn này...”.

Không biết có phải nhờ dày công luyện tập các bí kíp của môn võ lâm Thất Sơn và thái cực quyền mà ở tuổi trăm, lão đạo sĩ Ba Lưới vẫn giữ được thân pháp nhẹ nhàng, giọng nói trầm ấm, thi thoảng lại pha vào những tràng cười hỉ hả đầy sảng khoái. “Có lẽ trông dung mạo của tao lúc đó lạ lắm, ai đời lên núi mà còn vác theo lưới nên các bậc ân nhân, tiền bối đã đặt luôn cho tao cái danh Ba Lưới” - đạo sĩ kể tiếp. Suốt mấy chục năm trời miệt mài phát rừng làm rẫy để có cái ăn, rồi lần dò tìm thầy học võ để phòng thân, thêm nghề bốc thuốc cứu người. Trong hành trình tu thân học đạo, ông Ba Lưới không ít lần giáp mặt với thú dữ. Nhờ những thế võ Thất Sơn bí truyền học được từ các đạo sĩ tiền bối, ông đã hai lần hạ gục rắn hổ mây to hàng chục ký.

Những đạo sĩ cuối cùng

Thế hệ đạo sĩ cuối cùng ở miệt Thất Sơn từng vang danh như Năm Cao, Ba Sánh, Đức Minh, Thiện Tài, Năm Sanh, Ba Tiêu, Thiện Quang, Mười Thiệt, Sáu Hột, Mười Phu... kẻ trước người sau lần lượt tạ thế. Giờ trên núi Cấm có lẽ chỉ còn lại nhà sư Thiện Huệ (87 tuổi, quê quán ở xã Phước Hưng, huyện An Phú, An Giang), trụ trì chùa Bình Sơn (ấp Thiên Tuế) và đạo sĩ Ba Lưới. Hai ông được xem như “pho sử sống” của miệt Thất Sơn.

Chiều tĩnh mịch giữa chốn thâm sơn, chúng tôi lặng nghe lão đạo sĩ Ba Lưới nhắc về những người bạn quá cố của ông. Đạo sĩ Năm Đức, người có võ công thuộc loại siêu phàm, di chuyển nhanh và nhẹ nhàng như cơn gió. Nồi cơm bắc lên bếp chưa kịp sôi, Năm Đức đã hạ sơn, dạo chợ Nhà Bàn mua mấy món đồ rồi quay trở về. Trong khi người bình thường muốn hoàn thành công việc như vậy phải mất trọn một ngày. Hay như chuyện đạo sĩ Ba, người có sức mạnh phi thường, đã ra tay kéo phăng chiếc ghe rỗi (ghe mua bán cá) trọng tải độ 30 tấn bị mắc cạn trên kênh Trà Sư (huyện Tịnh Biên), sau khi mấy chục thanh niên hì hục cả buổi không làm sao lôi được chiếc ghe ra khỏi vũng lầy. Chủ ghe rỗi cảm kích mới bày tiệc đãi dũng sĩ một bữa cá tươi. Bận đó, đạo sĩ Ba đã xơi sơ sơ... nửa giỏ cá lóc, tổng số chừng 30 con.

Lão đạo sĩ Ba Lưới cũng không quên kể chuyện bậc đàn anh Mười Thành có phép ẩn thân khó ai bì kịp. Ông khẳng định chỉ cần một bụi cỏ, một nhánh cây là đạo sĩ Mười Thành có thể “tan biến” vào đó, không biết đâu mà tìm. Hồi đó có người muốn kiểm chứng tài biến hóa của Mười Thành đã nắm tay ông kéo vào căn nhà trống, khóa trái cửa lại. Vậy mà tìm mãi cũng không thấy Mười Thành đâu.

Giáp mặt Đơn Hùng Tín

Dạo những năm đầu mới về ẩn cư trên núi Cấm, ông Ba Lưới đã có dịp hội ngộ cùng Đơn Hùng Tín, một tướng cướp nổi danh khắp các tỉnh Nam bộ từ trước Cách mạng tháng tám 1945, khiến cho nhà chức trách Pháp phải chật vật đối phó. Về sau, do bị kẻ tâm phúc làm nội gián, chỉ điểm, Đơn Hùng Tín bị Pháp bao vây và phóng hỏa thiêu chết trên một chiếc ghe ở vùng Mỹ Tho, Tiền Giang. Có nhiều góc nhìn chưa thống nhất về Đơn Hùng Tín. Người cho Tín là một nhân vật hào sảng, chuyên cướp của cường hào, quan lại mang phân phát cho dân nghèo. Ý kiến khác lại cho Tín thật ra chỉ là một kẻ gian hùng, háo danh, theo con đường tà đạo. Theo biên khảo của nhà văn Sơn Nam, Đơn Hùng Tín tên thật là Lê Văn Tính, quê ở xã Ba Sao, Cao Lãnh, Đồng Tháp, vì mê truyện Thuyết đường, khoái nhân vật Đơn Hùng Tín nên cải sang tên này và âm thầm nuôi “chí lớn”. Sau khi sang núi Tà Lơn (Campuchia) chiêu nạp lực lượng, Tín kéo quân về Thất Sơn, đóng trại tại hang Ông Thẻ trên núi Cấm để vừa hành hiệp vừa tiếp tục khổ luyện võ nghệ.

Tại núi Cấm, ông Ba Lưới và Đơn Hùng Tín đã gặp nhau. “Tín có dáng người đầy đặn, nước da ngăm đen, râu tóc um tùm. Y thuật với tôi là đã luyện thành công “thiên thư bí quyết” bằng cách mổ bụng lấy bào thai trong bụng vợ, hằng đêm đem ra giữa trời tu luyện. Nhờ đó y có thể xuất quỷ nhập thần, ra vào các nơi như chốn không người”. Đạo sĩ Ba Lưới kể ông và Đơn Hùng Tín khá thân thiết, nên cả việc Tín xin bào thai, bị vợ giận lẫy, không dám từ chối, chỉ nói trổng: “Đứa con trong bụng em là của anh, anh muốn làm gì thì làm chớ hỏi làm chi” Tín cũng kể lại cho ông nghe. Ông Ba Lưới cũng cho biết Đơn Hùng Tín nhiều lần nói với ông là “không phải đụng đâu cướp đó, mà chỉ cướp của nhà giàu, cướp kho hàng của nhà chức trách để phát chẩn cho người nghèo”.

Hỏi khi xưa Đơn Hùng Tín có mời ông “nhập hội”, lão đạo sĩ Ba Lưới lắc đầu: “Có lẽ y biết tôi không màng chuyện thế sự”. Ông Ba Lưới cũng cho biết trong thời gian ẩn dật trên núi, đã ba lần hết Pháp rồi tới Mỹ dẫn theo cả thông ngôn tìm đến tận nơi ở của ông trên núi Cấm tìm hiểu về ông. Họ tỏ ra thán phục khi biết ông ngoài võ công thượng thừa còn nắm giữ nhiều bài thuốc trị rắn cắn gia truyền rất hiệu nghiệm. “Mấy người đó nhiều lần mời tôi ra cộng tác với mức lương hậu hĩ, nhưng tôi trả lời nếu ham tiền tài, danh vọng thì tôi đã ở thế chớ lên núi ẩn dật làm chi”.

Núi Cấm giờ đã có đường ôtô, điện lưới quốc gia, trường học và cả nhà hàng, khách sạn. Cuộc sống đang thay đổi từng ngày...

TẤN ĐỨC

Nguồn: Báo Tuổi Trẻ


Bí ẩn Thất Sơn - Kỳ 4: Núi Cấm bây giờ (kỳ cuối)

TT - Miệt Thất Sơn với bao câu chuyện nhuốm màu liêu trai, giờ đã khác xưa nhiều lắm. Ngay như núi Cấm, nơi được xem là hiểm trở nhất, kỳ bí nhất, cũng đã trở nên gần gũi. Nhưng bên cạnh sự phát triển tất yếu ấy, người ta vẫn thấy tiếc...
Núi Cấm, điểm thu hút đông đảo khách hành hương - Ảnh: Tấn Đức
Chạy Mau và Nhớ Xứ

Tại Vồ Pháo Binh, ấp Thiên Tuế, chúng tôi tình cờ gặp ông Nguyễn Văn Mau (Sáu Mau, sinh năm 1944), hiện là thủ từ điện thờ Ngọc Hoàng trên đỉnh Bò Hong. Ông Sáu là dân Vĩnh Gia (Tri Tôn, An Giang), chạy giặc Pol Pot rồi trở thành cư dân núi Cấm từ năm 1978. Mặc dù vậy, ông Sáu vẫn luôn tự hào là lớp cư dân đầu tiên của vùng đất này, bởi trước đó núi Cấm được coi là chốn thâm sơn, chỉ những người tu hành hoặc muốn sống cuộc đời ẩn dật như những đạo sĩ mới tìm đến. “Mỗi người mỗi quê, nhưng ai nấy hẹn nhau hễ nhà có việc thì phải lên tiếng để mọi người biết đến giúp đỡ hoặc chung vui. Vậy mà nhiều lúc săn được con thú rừng, dùng tay làm loa hú vang núi, họa hoằn mới có người nghe tìm tới chơi” - ông Sáu Mau nhớ lại những ngày mới lên núi Cấm lập nghiệp.

Trên vùng đất mới, vợ chồng ông Sáu đã miệt mài khai hoang, mở đất lập vườn trồng xoài, mít, chuối, su hào... Cách tuần lễ nửa tháng ông Sáu lại lưng đai, vai gánh vượt dốc núi trong sương mù để mang mấy món trái cây, đồ rẫy xuống chợ bán, rồi mua gạo, muối, dầu hỏa thắp sáng gánh ngược trở lên. Bận nào xuống chợ ông cũng khởi hành từ lúc 4g-5g sáng, vậy mà mãi tới tối mịt mới quay về đến nhà.

Bên bữa cơm chiều với món gà rừng hấp măng núi, thêm chút “đưa cay”, ông Sáu Mau trút hết tâm sự: “Biết tại sao tôi tên là Mau không? Hồi đó giặc giã dữ lắm, hết Tây rồi tới Nhật đánh nhau hà rầm; gia đình phải liên tục chạy loạn. Vậy nên tía chọn cái tên Chạy (Năm Chạy) đặt cho người anh kế của tôi; còn tôi là Mau (Sáu Mau). Tía dẫn mấy anh em tôi tản cư gần như khắp các tỉnh miền Tây, cuối cùng thì về Vĩnh Gia, Tri Tôn (An Giang). Tới phiên tôi lại tiếp tục đưa vợ con chạy giặc Pol Pot lên tuốt trên đỉnh núi Cấm. Cho nên khi sinh con, tôi đặt đứa đầu là Nguyễn Văn Nhớ (Hai Nhớ), đứa kế Nguyễn Văn Xứ (Ba Xứ). Hi vọng tụi nhỏ dù đi đâu, làm gì cũng nhớ quê hương, bản quán!”.

Nghe ông Sáu Mau kể chuyện gia đình, chúng tôi chợt nhớ lời ông Ba Ban, nguyên phó ban quản tự chùa Phật Lớn: “Núi Cấm phần lớn là dân xứ khác đến lập nghiệp, lại phải đối mặt với bao thử thách khắc nghiệt của thiên nhiên. Hoàn cảnh và điều kiện đó đã xây dựng cho người dân núi Cấm tinh thần đoàn kết và hiếu khách. Đó là vốn quý khi núi Cấm thành khu du lịch trọng điểm của địa phương”.

Đổi thay từng ngày

Núi Cấm đã chuyển mình đi lên thật nhanh, ngay cả người dân sống lâu năm ở địa phương cũng khó ngờ tới. Mấy năm trước, khi điện lưới quốc gia về tới vồ Đầu, ông Sáu Mau đã mừng quýnh, bỏ thêm mấy chục triệu đồng mua dây, cắm cột kéo luôn về nhà mình, giã từ cảnh chong đèn bắt muỗi cho con. Có điện, điện thoại di động, tivi, đầu máy và cả Internet nhanh chóng đi theo. Rồi trường học, trạm xá, hệ thống cấp nước sạch sinh hoạt và cả điểm chiếu phim, tường thuật bóng đá quốc tế màn hình phẳng... lần lượt xuất hiện. “Thiệt tình tôi không nghĩ có ngày lớp con cháu mình sướng như vầy: hít thở không khí núi rừng nhưng ăn uống, sinh hoạt, giải trí như người đô thị” - ông Sáu Mau tâm sự.

Nguyễn Hiếu Trung, công nhân chế biến gỗ ở Bình Chuẩn (Bình Dương) nhà cạnh chùa Phật Lớn, hôm đưa bạn về quê dự lễ khánh thành tượng phật Di Lặc, nói: “Mấy năm trước, mỗi lần về thăm nhà tôi phải xin nghỉ phép cả tuần, vì nội chuyện đi lại đã mất phân nửa thời gian, nhưng bây giờ xe 16 chỗ đưa khách chạy thẳng lên núi, mất chưa tới 20 phút. Khỏe thiệt”. Hòa cùng niềm vui này, Nguyễn Văn Thành, lái xe ôm nhà gần giếng Vua Gia Long (đồi Thiên Tuế), người đưa chúng tôi đi tham quan núi Cấm, khoe: “Bây giờ có đường rồi, khách du lịch lên núi nhiều hơn, tụi tôi kiếm bét lắm cũng vài trăm ngàn đồng mỗi ngày, cuộc sống dễ thở nhiều rồi”. Cũng nhờ có đường mà cha Thành được đoàn bác sĩ dưới xuôi lên khám, phát hiện ông bị mù do đục thủy tinh thể. Sau đó, cùng với mấy chục trường hợp tương tự ở núi Cấm, ông cụ đã được mổ mắt miễn phí, thấy lại ánh sáng sau gần chục năm sống trong cảnh mù lòa.

Tiếc nuối

Ông Nguyễn Thành (xã An Hảo, huyện Tịnh Biên), người có hơn 20 năm dành thời gian đi bộ tham quan khắp núi Cấm, chia sẻ: “Có đường ôtô lên núi Cấm thì tốt cho dân sinh, nhưng muốn phát triển du lịch, nhất là loại hình du lịch sinh thái, du lịch tâm linh, thì chỉ con đường này là chưa đủ. Dành thời gian thong thả leo núi, vừa hít thở không khí núi rừng, vừa thưởng thức từng cảnh sắc thiên nhiên có hấp dẫn riêng của nó. Tiếc là dường như đường đi bộ đã bị lãng quên, trở nên xuống cấp, kém vệ sinh quá”.

Lão đạo sĩ Ba Lưới, người đã hơn 70 năm bốc thuốc cứu người ở núi Cấm, ngậm ngùi tiếc nuối ở góc độ khác: “Hồi trước núi Cấm là kho dược liệu, cả các loại thuốc quý như nhân sâm, linh chi cũng không thiếu. Nhưng do người ta săn lùng quá, hái tràn lan không chịu dung dưỡng nên đã cạn kiệt gần hết. Nhiều loại trước đây chỉ cần ra sau núi là có, vậy mà bây giờ khi cần tôi phải gọi điện cho người ta gửi từ Nam Vang (Phnom Penh - Campuchia) sang”. Không chỉ cây thuốc, nhiều loại thực vật đặc trưng của núi Cấm như cây thiên tuế, mọc trên một vùng rộng lớn, có cây gốc lớn hai người ôm không xuể, giờ sắp bị xóa sổ. “Nhiều người hỏi tại sao có địa danh đồi thiên tuế, tôi giải thích, họ đi một vòng tham quan rồi trở lại nói: Bác nói chơi hay sao, chứ cháu có thấy cây thiên tuế nào bằng tuổi bác đâu!”-ông Ba Lưới cười gượng, kể. Trong khi đó, ông Ba Hải, một võ sư ở Cần Thơ, sau khi hành hương về xứ sở của những đạo sĩ lừng danh miệt Thất Sơn, nghe người dân địa phương nhắc về họ đã xuýt xoa: “Vùng Thất Sơn có rất nhiều bậc chân tu, võ công cao cường, những câu chuyện truyền miệng trong dân gian chỉ là một phần nhỏ so với thực tế. Phải chi trước đây người ta nghĩ tới việc sưu tập các bài võ tinh hoa, bí truyền của các cụ”.
“Thất Sơn nằm ở vị trí đắc địa, vừa có núi non hiểm trở để trú ẩn, khi cần có thể nhanh chóng theo sông Tiền, sông Hậu xuống đồng bằng, hoặc thoát ra biển Tây; cũng có thể dễ dàng lánh sang đất Campuchia. Hoàn cảnh lịch sử của Việt Nam, vị trí đắc địa của Thất Sơn khiến vùng đất này càng trở nên huyền bí. Tôi nghĩ tới đây cần tiếp tục phát triển các đề tài nghiên cứu, sưu khảo về con người và vùng đất lịch sử này” - TS Lâm Quang Láng, phó giám đốc Sở VH-TT&DL, phó chủ tịch Hội Sử học tỉnh An Giang, bày tỏ.
TẤN ĐỨC

Nguồn: Báo Tuổi Trẻ