Xin trân trọng giới thiệu.
-----------------------------------
Khai Xuân Tâm Đạo
Trúc Lâm Thiền Điện, Tuất thời Mồng 7 tháng Giêng Nhâm Tý (22.02.1972)
THIỆN HẠNH ĐỒNG TỬ, Tiểu Thánh chào liệt vị Thiên sắc đàn trung. Vâng lịnh, Tiểu Thánh giáng cơ báo tin có Đức Vạn Hạnh Thiền Sư lai lâm. Vậy liệt vị và chư phận sự thành tâm nghinh tiếp. Tiểu Thánh xin xuất ngoại ứng hầu, thăng.
Tiếp điển
THI
VẠN duyên đốn tuyệt những mê trần,
HẠNH phước vô vàn tạo phật thân;
THIỀN trượng tĩnh tâm người ngủ gật,
SƯ sinh bình đẳng một chơn thần.
VẠN HẠNH THIỀN SƯ, Bần Tăng chào mừng chư Thiên Mạng, mừng chư hiền đệ hiền muội đẳng đẳng đàn tiền. Giờ nay Bần Tăng giáng cơ để chứng lòng thành của chư hiền đệ hiền muội nhân dịp lễ khai mạc Vạn Hạnh Đạo Tràng Tân Niên Nhâm Tý, và ban ơn sự hiện diện của chư đệ, muội , chư Thiên ân và sự chấp thuận trước hoàn cảnh. Tuy nhiên, Bần tăng cũng gởi đến cho chư hiền đệ hiền muội hiện diện hay khiếm diện đôi dòng đạo lý.
Thể theo tinh thần của cuộc khai mạc tân niên này, Bần Tăng sẽ nói với chư hiền đệ muội qua vấn đề "KHAI XUÂN TÂM ĐẠO". Vậy Bần Tăng miễn lễ đàn trung an tọa.
Này chư hiền đệ hiền muội ! điều Bần Tăng muốn nói cùng chư hiền hôm nay là "KHAI XUÂN TÂM ĐẠO" và được phân chia vài giai đoạn như sau:
THỨ NHỨT : VỀ XUÂN THEO KHÍ TIẾT THỜI GIAN
Như chư hiền đệ muội thấy, thời gian nhân thế trong một năm được phân ra làm 4 mùa : xuân, hạ, thu, đông. Trong 4 mùa này, mùa xuân là mùa mà chư hiền đệ, muội hằng để tâm lo lắng nhớ ghi, và hơn nữa là nó mang lại cho chư hiền một nguồn vui mới, một bước tiến sau khi dừng chân trong những ngày cuối năm đầy kinh nghiệm được thâu hóa bởi đông tàn.
Thật sự, mùa xuân thời tiết chỉ là một sự chuyển mình của vũ trụ tạo đoan, một chu kỳ vừa giáp mối trong khoảnh khắc ngắn ngủi của cuộc tuần hoàn. Ở đó, nó lập lại sự sinh tồn cho muôn loài vạn vật trên cõi tạm trần gian.
Đứng trên cương vị của một người nhân thế, thông thường thì mùa xuân được đề cao và quan trọng đúng mức của nó. Người ta không ngớt lời ca tụng mùa xuân, và nhân đó mà chúc tụng với nhau. Cho nên những nỗi đau khổ tư sầu đều miễn cưỡng dẹp qua bằng những kiêng kỵ, bằng những nét hão huyền.
Tuy nhiên, thời gian xuân tiết đó cũng gây được tiềm năng, cũng tạo ra yếu tố cho bậc chơn tu còn tại thế, nhận thấy tinh thần của mùa xuân vượt lên mức độ thông thường và đến chỗ đạt được ý niệm về đạo trong lẽ miên trường.
Chư hiền đệ hiền muội ôi ! Nếu quả mùa xuân là mùa hạnh phúc, sinh động an vui, thì hiện giờ chư hiền không phải vất vả vì nỗi lo sợ phập phồng trước hoàn cảnh thế nhân, trên mặt đất này không còn âm ba ai oán đau thương nào hừng hực vang lên khoảng vô biên, và nếu mùa xuân lại là mùa thánh thiện bình an thì tự mỗi cá nhân của chư hiền không cảm thấy buồn tẻ vì cảnh ngộ, đớn đau vì bệnh hoạn. Như vậy, tiết xuân của tuần hoàn nó chỉ đặt ở giai tầng sinh hóa thể chất vạn vật ở cõi hữu hình mà thôi, như hoa, như cỏ chẳng hạn. Là người chơn tu dù có sống trong cõi trần trải qua hằng những bốn mùa tám tiết cũng không chuyển theo ảnh hưởng đó, mà phải thông đạt được ý đạo trong Xuân vĩnh cửu.
THỨ HAI : VỀ XUÂN THEO LÝ ĐẠO KHÔNG THỜI .
Chư hiền đệ muội cũng đã hiểu mùa xuân là mùa đầu của một năm. Nói theo đạo biến dịch thì nó ứng vào quẻ " KIỀN" và ôm trọn đức "NGUYÊN".
Bần tăng dựa vào chữ xuân thông thường đó để tạm diễn tả lên lý đạo của trời, mà đạo của Trời không chỉ thị hiện ở một sát na, một thời tiết nào đó thôi. Đạo của Trời luân lưu bàng bạc khắp mọi nơi và mọi thời, sự vận hành của đạo không một phút giây nào ngừng nghỉ, đầu mối (tức đức nguyên) của Đạo Trời cũng không phải là đầu mối một chiều và có cái cuối cùng nữa đâu. Đức nguyên vốn là độc nhất. Cái lý này là căn cơ của Trời, là chủ nhân ông của người không bao giờ hư mất. Nhờ nó mới sinh ra biết bao hiện tượng, hay nói theo nhà Phật thì nó sinh ra vạn pháp thế gian vậy.
Khi biết được đức Nguyên vốn cương kiện sinh tồn ấy, chư hiền đệ hiền muội sẽ tìm thấy ngay mùa xuân và hưởng ngay những trạng thái an lạc tự tại trong lẽ Đạo của Trời.
Muốn hưởng được trọn Xuân Đạo ấy, cũng phải hội đủ những yếu tố này :
1.- Là quan niệm về đạo.
Này chư hiền đệ hiền muội ! Từ xưa đến nay, một số lớn người ta hễ nghe nói tới đạo là hình dung ngay tới những chùa chiền, thánh đường, thánh thất hay màu áo nâu sồng, hoặc những thể tướng từ một vài tôn giáo nào đó bày ra, rồi một khi trên bước hoạn đồ thế sự gặp những trở ngại, những chồn chân nào, họ bèn giũ áo thường nhân để khoác vào mình một manh áo nhà tu và tôn thờ một vị giáo chủ, thần linh theo tín ngưỡng mà họ nhập môn.
Họ nhận thấy đạo là ở đó. Đến chừng trong tổ chức tôn giáo ấy xảy ra những băng hoại nào đó thì họ lại cho là đạo không tốt, đạo không mang lại cho đời người một chút mầm sống nào. Họ thất vọng lìa bỏ manh áo mà họ tôn thờ, để sống với đời sống bơ vơ không đời không đạo, mà họ không bơ vơ sao được, khi mà quan niệm sai lệch quá xa về danh từ đạo với tôn giáo đối với đời.
Thoạt tiên, vì chính người ấy một phần và tại trợ duyên bên ngoài một phần, nên khiến họ vô tình phân chia đạo đời đôi ngã và hiểu đạo quá hẹp hòi nông cạn đóng khung.
Thế là chư hiền xác định lại đạo vẫn là đạo, nó có được phổ cập đến nhân gian để mà sinh tồn hay không là do sứ mạng của tôn giáo. Cũng như đồng bằng kia có tiếp nhận được nước hay không là do những đường kinh, những con rạch dẫn vào từ sông sâu biển cả.
Chi nên, tình trạng khẩn trương trong lãnh vực tôn giáo hiện tại thật là phức tạp bởi nhiều tôn giáo chi nhánh ra đời, mà lòng người hầu hết chưa suy cạn về đạo, nên dễ bị ngộ nhận hoang mang từ hàng lãnh giáo tới bực tín đồ.
Sứ mạng tôn giáo là đem nhân tố sinh tồn cho loài người, nhưng giữa các tôn giáo có sự va chạm tỵ hiềm nhau, nên sứ mạng ấy chẳng những không thực hiện được, mà trái lại đã gây ra sự đổ vỡ tinh thần cho dân tộc, cho nhân loài.
Kể ra vài nét đại cương về tình trạng ấy Bần Tăng muốn làm nổi bật lên sứ mạng của hiền đệ hiền muội trong Tam Kỳ Phổ Độ. Sứ mạng này không phải đem ra tranh tài với những người bạn tôn giáo khác, để mong tập thể mình, danh nghĩa mình được đề cao, được rạng rỡ trên đường thế giới, rồi sanh ra những nghi ngờ, những tỵ hiềm lẫn nhau. Nhưng sứ mạng này phải vượt lên tất cả những thói thường ấy. Nó phải đặt vấn đề giải quyết tình trạng xung đột tinh thần nhân loại với nhau qua bóng hình tôn giáo. Tức nhiên chư hiền đệ muội không phải bi quan trước tình trạng dầu sôi lửa bỏng đến độ trầm trọng tinh thần ấy, mà phải bình tĩnh để mang tư tưởng thuần chơn, mang tình thương duy nhất từ Thượng Đế chan hòa trong những tập thể khác, những màu sắc khác để nhằm khiến họ ý thức được sứ mạng của chính mình, của chính mỗi người, của chính mỗi tôn giáo đều mang lại cho con người trần tục một nhân tố sinh tồn theo lẽ đạo thuần lương.
Mỗi người có mỗi cách để làm lành để hướng thiện thì cứ như vậy mà tiến tới chỗ nhắm cuối cùng sẽ đồng đến với nhau. Câu " Đồng qui nhi thù đồ, nhất tri bách lự" là tư tưởng muôn đời không phai với đạo vậy.
2.- Là không chấp trước
Thiên hạ thường nói: cái gì đến rồi sẽ đến.
Chư hiền đừng hoài công mong mỏi hay sợ hãi trước một sự kiện xảy ra. Ngay trên địa hạt tu hành cũng thế. Hiện tiền dốc lòng tin kính Đạo Trời, đem thân bồi đắp công quả công phu đầy đặn với một lòng thanh thoảng tự nhiên, không mong vọng cho ngày mai được tai qua nạn khỏi, được hưởng cảnh phú quí vinh hoa hay được Phật Trời đoái tưởng. Hãy để việc làm của mình diễn tiến theo luật tự nhiên như trời đất.
Trời ban ngày soi sáng cho muôn loài, đem đến sự ấm áp cho muôn loài sống lấy; ban đêm đem đến cho muôn loài sự ngơi nghỉ yên tịnh và tùy vật nào an cho vật ấy một bổn phận. Nhưng Trời che kia nào mong làm việc ấy để chi ? Đất nọ chở hằng hà sinh vật cũng nào mong nhận lại tấm ân gì ? Quả nghiệp chư hiền gắng trả, công đức chư hiền cố bồi, không vọng động điều chi sẽ được Đấng Toàn Năng soi xét.
Về thời cuộc cũng thế, hoàn cảnh bi đát nếu tới lúc do cơ trí con người sắp đặt diễn ra lúc nào thì chư hiền sẽ hay lúc ấy, chớ bận lòng chấp trước rồi hao tổn tinh thần có khi vô ích. Đành rằng phải có sự chấp trước, tức toan liệu giới hạn nào đó để sống đời giả tạm, nhưng không quá lệ thuộc vào những lo lắng bâng quơ để đánh rơi tâm đạo.
3.- Là chế ngự lòng phàm
Thật sự con người ai ai cũng cưu mang hai thái cực đối đãi với nhau là thiện ác, thánh phàm.
Là người học đòi theo hạnh thánh, thì sự dứt bỏ tánh phàm được ngần nào hay ngần ấy, luôn luôn giữ lòng thanh tịnh trước mọi cám dỗ của giận hờn, của ganh ghét, của ham muốn, của si mê, để quyết định đúng đường trên nhiệm vụ tu thân hành đạo. Chơn lý vốn ở chỗ bình đẳng như thanh tịnh, nếu tìm nó trong những cơ hội xáo trộn của tâm hồn bằng tham sân si hay thất tình lục dục thì làm sao nhận ra chơn lý đạo mầu. Không khéo nhận lầm ma vương là thần thánh thì nguy hại lắm vậy.
Đó là một vài yếu tố căn bản để chư hiền đệ hiền muội nhận thấy ý xuân trường cửu của lẽ Đạo Trời, ngày đêm vận hành không thôi, ngõ hầu bắt chước theo đó mà "tự cường bất tức", nhứt là trong thời kỳ này. Nếu ngừng nghỉ khoảnh khắc nào trong việc hành đạo, thì để chút kẻ hở cho gió độc thế tục lọt vào ngấm ngầm trong ấy lâu ngày biến thành bệnh hoạn khó khăn lắm đó.
Hỡi chư hiền đệ hiền muội ! Những mùa xuân qua, những ngày xuân qua, chư hiền có thấy còn không những phong độ an nhàn thanh thoát của đức nguyên sinh hóa này ?
THI
Nhắp chén trà sen vị ngạt ngào,
Hương xuân nồng ấm thú tiêu dao,
Kìa hoa hoa nở vì ai đó,
Theo luật sinh tồn Đấng tối cao.
-o-
Cao vọi kiền khôn thỉ tới chung
Quyền năng Tạo Hóa đã vô cùng
Tình thương vạn đại hòa chan khắp,
Lai tảo lai trì vẫn một khung.
-o-
Khung cửa rèm che áng gió xuân,
Người ơi ! hãy cuốn tấm phong trần;
Cho lòng hứng lấy nguồn sinh lực,
Cho chí vươn lên ngọn đuốc thần.
-o-
Thần đạo còn chăng với núi sông,
Sông nghiêng núi ngửa xót xa lòng;
Lòng dân những cắt chung dòng máu,
Máu chảy ruột kia cũng não nùng.
-o-
Não nùng chi bấy nữ nam ôi !
Thế sự xuống lên có mấy hồi;
Thấy lở thì bồi, dơ cứ rửa,
Bồi cho dẻ đất, rửa cho tươi.
-o-
Tươi đẹp làm sao đóa hướng dương
Thế Thiên hành hóa kíp lên đường;
Cỗi đi lớp áo phàm phu cũ,
Tân nhựt nhựt tân đạo tỏ tường.
Sưu tầm tại Nhịp cầu giáo lý
------------------------------------------------
(*) Thiền sư Vạn Hạnh chính là người đã dày công giáo dưỡng Lý Thái Tổ (1010-1028) ở trong chùa từ nhỏ, lúc vua còn là chú tiểu Lý Công Uẩn, theo nghĩa phụ Lý Khánh Văn đến chùa Tiêu Sơn học đạo. Khi thấy Lê Long Đĩnh bạo ngược, trăm họ sống trong cảnh lầm than, bấy giờ Lý Công Uẩn đang giữ chức Điện tiền chỉ huy sứ nhà Lê, Thiền sư đã vận động quần thần trong triều suy tôn Lý Công Uẩn lên ngôi vua, sáng lập ra nhà Lý. Về sau, cũng chính Thiền sư đã tham mưu cho Lý Thái Tổ trong việc dời đô, từ kinh đô Hoa Lư về Thăng Long, để tính kế phồn thịnh muôn đời cho con cháu.
Ngày rằm tháng 5 năm 1025, khi công hạnh đã viên mãn, Thiền sư gọi đồ chúng lại dặn dò, đọc bài kệ:
“Thân như điện ảnh hữu hoàn vô
Vạn mộc xuân vinh thu hựu khô
Nhậm vận thịnh suy vô bố úy
Thịnh suy như lộ thảo đầu phô”
(Thân như bóng chớp có rồi không
Cây cối xuân tươi, thu héo hon
Nhìn cuộc thịnh suy đừng sợ hãi
Thịnh suy: ngọn cỏ giọt sương hồng).
rồi thị tịch. Vua Lý Thái Tổ và tất cả triều thần nhà Lý đến làm lễ trà tỳ, thỉnh Xá lợi của ngài về thờ tại chùa Tiêu Sơn (Bắc Ninh). Nguồn: báo Giác Ngộ