16 tháng 6, 2016

NNC Phan Thị Bích Hằng xuất bản sách về hành trình 25 năm tìm kiếm hài cốt liệt sĩ

Buổi giao lưu "Nhà ngoại cảm Phan Thị Bích Hằng, hành trình 25 năm tìm kiếm hài cốt liệt sĩ" của Hoàng Anh Sướng được nhiều người quan tâm.

Chiều 12/6, nhà báo Hoàng Anh Sướng giới thiệu tập phóng sự tại hội trường chùa Quán Sứ, Hà Nội. Buổi giao lưu và ký tặng độc giả diễn ra từ 14-17h, lượng khán giả tới nghe chia sẻ khá đông, đủ mọi lứa tuổi. Trong đó, nhiều gia đình từng được Phan Thị Bích Hằng giúp tìm mộ liệt sĩ.

Trong 25 năm làm nghề báo, Hoàng Anh Sướng có tới 18 năm đồng hành cùng Phan Thị Bích Hằng. Tác giả chia sẻ anh hoàn toàn tin tưởng vào khả năng tâm linh của nhà ngoại cảm. Tuy nhiên, Hoàng Anh Sướng cho rằng cuốn sách không hoàn toàn nói chuyện ngoại cảm, mà gửi thông điệp mỗi con người phải ngộ ra việc "sinh" và "tử" ở đời.

Tại buổi giao lưu, nhà ngoại cảm Phan Thị Bích Hằng chia sẻ những câu chuyện gặp phải trên đường tìm hài cốt liệt sĩ. Thính giả đặt câu hỏi về hành trình tìm thủ cấp của liệt sĩ Phùng Chí Kiên năm 2008. Các giám định khi đó cho thấy không phải là hài cốt của ông mà là mảnh sành vụn và xương lợn. Thính giả khẳng định chừng nào câu chuyện này chưa được nhà ngoại cảm giải thích rõ thì còn rất nhiều người không tin.

Theo Phan Thị Bích Hằng, chị nhận thông tin ngoại cảm từ bức ảnh và phần mộ ở nghĩa trang Mai Dịch về vị trí chôn cất thủ cấp của tướng Phùng Chí Kiên, tên thật của ông là "Nguyễn Vỹ". Theo đó, một thợ cắt tóc tên Vẹo đã đem chôn cất thủ cấp của liệt sĩ Phùng Chí Kiên tại một thửa ruộng bên cầu Ngân Sơn, Bắc Kạn. Khi đoàn tìm kiếm đến nơi, cụ Vẹo và con trai cụ là ông Vò đều đã mất, người con dâu của cụ xác nhận việc chôn cất thủ cấp của Phùng Chí Kiên. Đoàn tìm kiếm đến hiện trường và xác định vị trí chôn cất liệt sĩ.

hang-tram-nguoi-du-ra-mat-sach-ve-phan-thi-bich-hang-tai-chua
Hoàng Anh Sướng - tác giả tập phóng sự về Phan Thị Bích Hằng.

Tuy nhiên, Phan Thị Bích Hằng cho biết sau đó chị có việc phải trở về Hà Nội. Quá trình khai quật, bốc dỡ do gia đình và cơ quan chức năng làm chứ chị không làm. Nhà ngoại cảm cho biết sau đó chị đã nhận được lời xin lỗi từ gia đình liệt sĩ Kiên vì sự việc ảnh hưởng đến uy tín của chị.

Trước câu hỏi Phan Thị Bích Hằng có gì khác biệt để nói chuyện được với người âm, nhà ngoại cảm cho biết các thông số vật lý đo được ở người như thân nhiệt, chỉ số huyết áp, nhịp tim, đặc điểm, mạch đập... của chị đều khác người bình thường. Đặc biệt mạch đập, lúc nào bắt mạch cũng như đang có bầu hoặc trong cơ thể có hai người. Chị cho biết mình giao lưu với người âm bằng sóng.

hang-tram-nguoi-du-ra-mat-sach-ve-phan-thi-bich-hang-tai-chua-2
Hàng trăm người có mặt tại chùa Quán Sứ chiều 12/6.

Ông Vũ Thế Khanh - Tổng giám đốc Liên hiệp khoa học công nghệ tin học ứng dụng (UIA) - chia sẻ về việc nhiều người không tin vào nhà ngoại cảm và chỉ trích các nhà ngoại cảm. "Trong 1.000 vụ tìm hài cốt liệt sĩ có 300 đến 400 vụ không chính xác. Mọi người thường nhìn vào cái tiêu cực mà bỏ đi kết quả của 600 đến 700 vụ chính xác. Trong việc đi tìm hài cốt liệt sĩ, nhà ngoại cảm hoàn toàn không có lỗi. Chỉ có hai yếu tố ảnh hưởng đến việc tìm mộ hài cốt liệt sĩ đó là: sức khỏe và tâm lý của nhà ngoại cảm (tâm lý quá áp lực cũng ảnh hưởng đến quá trình tìm kiếm)", ông Khanh nói.

Trịnh Mỹ

Theo VNExpress.net (2016-06-13)


“… Nhà báo nổi tiếng Hoàng Anh Sướng đã có hàng chục năm lặn lội lên rừng xuống biển cùng các nhà ngoại cảm, trong đó, có Phan Thị Bích Hằng, để cho chúng ta những trang phóng sự đặc sắc này. Đây là cuốn sách hay. Rất hay. Nó đã mở cho chúng ta một cánh cửa, đưa ta đến một thế giới mới, giúp ta khám phá những vẻ đẹp hoàn toàn mới của cuộc sống. Từ đó mà ta có được những nhận thức khác, giúp ta thay đổi quan niệm, thay đổi cả cách sống. Ta sẽ sống đẹp hơn, cao cả, nhân bản hơn.


Một trong những nét đặc sắc nhất của cuốn sách này là sự hấp dẫn, cuốn hút. Hấp dẫn ở sự việc, ở câu chuyện, ở cách thể hiện, khiến ta không thể dừng lại mà phải đọc hết một mạch đến những dòng chữ cuối cùng, đọc cả ở ngoài trang sách, là những điều mà cuốn sách gợi ra. Làm được điều này, đối với người viết, quả thật không dễ. Đó là một cái tài, cũng là một bút lực rất đặc biệt của Hoàng Anh Sướng”.

- Nhà thơ TRẦN ĐĂNG KHOA

“... Rất tiếc cho tôi (và có thể nhiều người khác) là không được đọc tập sách rất công phu này của Hoàng Anh Sướng sớm hơn. Một cuốn sách cuốn hút người đọc từ đầu đến cuối bởi khả năng diễn đạt rất tài tình của tác giả, qua đó làm sáng rõ một chuyện vốn là mù mịt. Điều này luôn vô cùng khó. Những trang ghi chép của anh cho thấy không chỉ có một Hoàng Anh Sướng khiêm tốn nhận mình là nhà báo với chức phận ghi chép mà còn một Hoàng Anh Sướng luôn ưu tư về con đường mà một người lương thiện sẽ phải đi qua để đến được với hạnh phúc viên mãn. Có rất nhiều điều trong cuốn sách đã hồn nhiên chạm đến được tới cõi của triết học tâm linh.

Khi đọc xong cuốn sách, ngoài việc cứ phải suy ngẫm triền miên về đủ thứ, tôi thấy mình sẽ phải sống khác. Bỗng thấy chưa thể yên tâm với việc tu thân tích đức còn có phần qua loa, hình thức, cốt cho xong. Bởi vì không gì lọt qua được một cặp mắt im lặng nhưng thấu suốt. Chỉ rất ít người có phúc phận (và có thể là được trao sứ mệnh) nhìn thấy, đối diện với cặp mắt ấy. Với sự lương thiện bẩm sinh, họ tha thiết nói cho chúng ta biết”.

- Nhà văn TẠ DUY ANH

“… Mọi câu chuyện trong cuốn sách này, được bảo đảm bởi sự thật, tài năng, đạo đức nghề nghiệp, sự đam mê, lòng tôn kính và đặc biệt là sứ mệnh của người kể chuyện! Đây là tập hợp những câu chuyện được kết hợp bởi hai con người mang hai sứ mệnh đặc biệt của tạo hóa. Cũng là hành động thiết thực tri ân, đầy tôn kính đối với những linh hồn liệt sỹ đã hy sinh vì tổ quốc! Chính họ đã mở ra những ô cửa để chúng ta bước vào thế giới tâm linh vốn huyền bí với đời thường. Cứ thế đời sống tâm linh dần dần sáng rõ... để chúng ta biết rằng, cái chết không phải sự kết thúc. Nó đơn giản chỉ là một sự khởi đầu mới và mang những bài học vô cùng tốt đẹp cho đời sống hiện tại của chúng ta”.

http://nhasachkimdung.com/vn/nha-ngoai-cam-phan-thi-bich-hang--s.html