30 tháng 7, 2013

Kỳ 6/7 - Vén màn huyền ảo về Ngoại cảm cùng nhà nghiên cứu Nguyễn Ngọc Hoài

Kỳ 6/7: HÀNH TRÌNH TRẮC TRỞ CỦA NGƯỜI CON GÁI ĐI TÌM MỘ BỐ SAU CHIẾN TRANH

Khi chiến tranh đã qua đi, những người sống trong thời bình, đặc biệt là người có thân nhân nằm trong số ấy, họ luôn có một khát khao tìm được phần mộ người thân của mình. Nhưng có những người tưởng rằng như đã tìm thấy hài cốt của người thân, rồi lại ngậm ngùi ra về và lại phải mong mỏi chờ đợi ngày “đoàn tụ”.



Đến giờ tôi vẫn không biết mặt bố

Đó lời tâm sự của chị Trần Thị Ứng, người có bố là liệt sỹ Trần Khắc Cảnh, hy sinh trong chiến dịch Mậu Thân năm 1968. Từ đó đến nay, cả gia đình chị Ứng luôn sống trong mòn mỏi, với hy vọng tìm lại hài cốt bố nhưng vẫn chưa thành. Chị Ứng nghẹn ngào kể lại: “Ông bà nội tôi chỉ sinh được một mình bố tôi. Ông mất sớm bà ở vậy nuôi bố. Bố mẹ cũng chỉ có được một mình tôi. Hồi còn nhỏ, tôi cứ lục lọi để tìm đọc những bức thư bố gửi về cho mẹ, bố viết tình cảm lắm. Một trong số những lá thư từ chiến trường gửi về, bố hỏi tôi có nhớ hai bố con mình chơi ú òa với nhau không? Lúc đó tôi mới được 10 tháng tuổi nhưng  có thể vì tình yêu và nỗi nhớ trong xa cách của bố dành cho tôi quá lớn mà hình dung ra như vậy.

Từ đó cho đến sau này gia đình không nhận thêm được một dòng tin tức nào của bố nữa, cho đến khi miền Nam được hoàn toàn giải phóng cũng không thấy bố trở về. Nhớ mong bố da diết, tôi chỉ tìm đọc đi đọc lại những bức thư của bố gửi trước đây. Mẹ sợ tôi bị cuốn theo những dòng tâm sự trong thư của bố khiến tôi càng thêm nhớ nhung, đau đớn nên nhân lúc tôi đọc xong không để ý là mẹ lại cầm lá thư giấu hoặc đốt đi. Sau này, tôi mới biết khi cả nhà tôi vẫn ngỡ là bố đang ở đơn vị chưa về, thì bố đã hy sinh trước đấy những 8 năm trời. Bố hy sinh năm 1968 vậy mà chiến tranh loạn lạc, cho đến tận 8 năm sau (năm 1976) cả nhà tôi mới biết bố đã hy sinh”.

Chị ứng xúc động khi kể về chuyện ngày xưa
Chị Ứng kể tiếp: “Khi ấy, nhà chỉ còn lại ba người phụ nữ chân yếu tay mềm. Bà tôi ngày nào cũng than khóc thương con trai đứt ruột, khóc đến mù cả hai mắt, rồi hóa tâm thần. Mẹ tôi thay bố chăm lo cho hai bà cháu, năm tháng dần trôi qua, tôi lớn lên trong vòng tay của bà và mẹ. Đến năm 1987, tôi về nhà chồng, ba tháng sau thì bà tôi mất. Chồng tôi muốn đón mẹ về ở cùng để chăm sóc nhưng mẹ nhất quyết ở lại ngôi nhà kỷ niệm của hai bố mẹ. Đến năm 1994, mẹ tôi được Nhà nước cho đi an dưỡng tại Trung tâm Nuôi dưỡng người có cô đơn tại huyện Ứng Hòa, (Hà Tây). Vào được nửa năm, bà mắc bệnh tâm thần, thời gian ấy tôi cũng sắp hóa điên lên vì nghĩ ngợi nhiều.

Tôi đón mẹ về và đưa lên bệnh viện tâm thần huyện Thường Tín để chữa trị và tiện chăm nom cơm nước. Hai vợ chồng tôi nuôi ba đứa con nhỏ, lại phải cắt cử một người đi chăm sóc mẹ nên kinh tế ngày càng sa sút. Điều trị hơn nửa năm thì mẹ tôi lại trốn viện về nhà. Đến giờ đã 20 năm, dù vợ chồng tôi đã chạy chữa rất nhiều cho mẹ nhưng bệnh tình cũng không thuyên giảm. Nhìn mẹ như vậy, tôi càng nhớ và muốn đọc những bức thư của bố viết. Ngày xưa, ai cũng nghèo nhưng bố còn không có nổi một tấm ảnh để lại, nên thành ra đến giờ tôi vẫn không biết mặt bố như thế nào”.

Bốc phải mộ rỗng vị bị "thầy" lừa

Dù hoàn cảnh sống khó khăn như vậy, nhưng chưa khi nào chị Ứng thôi nhớ về bố. Chị luôn nghĩ đến chuyện phải tìm xem bố hy sinh như thế nào, hiện đang nằm ở đâu, để tìm đưa bố về. Biết chuyện, một người bà con giới thiệu cho chị một thầy tìm mộ mà dân thường gọi là “cậu”, vợ chồng chị liền cùng hai người chú họ tìm đến. Qua mấy ngày ăn chực nằm chờ tận mắt xem “cậu” làm việc, chồng chị không tin nên cùng hai người chú họ về trước.

Chị Ứng nhớ lại: “Một mình tôi ở lại đến ngày thứ tám thì mới “may mắn” được gặp “cậu” .Sau khi cho “cậu” biết họ tên bố và nguyện vọng đi tìm của tôi, “cậu” nói: “Ông Cảnh giữ một khẩu hỏa tiễn ở trên núi Ngự Bình phía tây Huế, chết phơi xác mất ba ngày đến ngày thứ tư thì bị pháo bắn tung chỉ còn đầu, một gò vai và một đùi. Sau đó người ta chôn ở chân núi Ngự Bình, năm 1991 – 1993 chuyển về nghĩa trang Hương Phú ở Huế. Trong hài cốt còn có một vật óng ánh như răng vàng hoặc bạc”. “Cậu” dặn dò cứ đi vào Huế, rồi cậu sẽ cầm điện thoại chỉ đạo từ xa cho tìm hài cốt và không quên vẽ cho tôi một tấm sơ đồ đã đánh dấu sẵn số nấm mộ trong nghĩa trang.

Chồng chị Ứng
Lúc đầu chồng tôi không tin lời “cậu” phán nhưng vì quá thương vợ nên lại đành cùng hai người chú họ sắp xếp đưa tôi vào Huế. Đến nghĩa trang Hương Phú, “cậu” chỉ qua điện thoại cho chúng tôi vị trí một ngôi mộ trong một khu mộ hình dẻ quạt, có đánh số mộ hẳn hoi. Nhưng sau khi tiến hành đào bới ngay, sau một lớp cát và sỏi thì xẻng đã chạm đáy hố bê tông, không có mẩu xương nào! Chúng tôi liền gọi lại hỏi “cậu” thông báo và xin “cậu” chỉ lại thì tôi nhận được một câu trả lời duy nhất như sau: “Nhà mày cứ đòi ăn ngay cơ!”. Sau đó, gọi lại bao nhiêu lần “cậu” cũng không nghe máy nữa và tắt luôn máy. Chúng tôi đành ngậm ngùi trở về nhà”.

Sau lần đó, mặc dù không nản chí nhưng chị Ứng cũng chẳng biết đi đâu tìm bố nên đành dừng lại. Đến năm 2008, tình cờ chị nghe tin cách xã mình không xa có một nhà ngoại cảm đang tìm mộ. Chị Ứng cho biết: “Lúc nghe tin có nhà ngoại cảm tìm mộ tôi đạp xe đến ngay, đến nơi tôi hỏi luôn: “Chị ơi, đây có phải là tìm mộ liệt sĩ không?”. Chị hỏi tôi cần tìm ai?. Nghe tôi trình bày, chị bảo mang giấy báo tử của liệt sỹ cho chị xem, xem xong chị hỏi tôi đã hiểu gì về cách tìm mộ bằng phương pháp ngoại cảm chưa? rồi chị giải thích cho tôi hiểu. Chị bảo tôi phải mời linh hồn bố tôi về gặp xem bố có đồng ý cho tìm hay không rồi mới đi tìm, việc đó người ta gọi là áp vong. Tôi chưa thấy áp vong bao giờ nên xin chị cho đến trước để xem áp vong như thế nào và được chị đồng ý. Hôm đến xem, tôi mới biết chị chính là nhà ngoại cảm Nguyễn Ngọc Hoài, lúc gặp lần đầu tôi cứ tưởng là nhân viên giúp việc cho nhà ngoại cảm.

Cuộc găp như trong mơ

Chị Ứng tiếp lời: “Một thời gian sau, đến lượt gia đình tôi được áp vong. Hôm ấy có tôi, các con và chú tôi đi cùng còn chồng tôi vẫn ám ảnh chuyện lần trước nghe “cậu” phán đào phải ngôi mộ rỗng ruột nên không chịu đi. Khi chúng tôi ngồi vào một lúc thì vong bố tôi “lên” nhập vào con gái út tôi. “Bố” tôi khóc, khi được hỏi chuyện thì “bố” chỉ gật hoặc lắc đầu. Chúng tôi không hỏi được gì. Sau khi hết thời gian, chị Ngọc Hoài động viên và nói sẽ thực hiện cho gia đình một buổi áp vong khác. Lần thứ hai, bố tôi “nhập” vào con gái tôi nhưng vẫn khóc không nói gì. Chị Hoài đến hỗ trợ giúp, hỏi mãi “bố” tôi cũng không nói nên cô Hoài mời “bố” tôi ra nhưng không chịu ra, lại khóc to hơn nữa. Chị Hoài lại hỏi “bố” tôi có muốn gặp con rể không? “Bố” tôi gật đầu đồng ý. Tôi nhờ ông chú về gọi chồng tôi đến nhưng anh vẫn không đi. “Bố” tôi càng thêm giận, cô Hoài khuyên mãi, hỏi mãi bố tôi cũng không nghe… Hết giờ làm việc, cô Hoài thuyết phục: “Các liệt sỹ khác ai cũng nói mà bác lại không nói gì, thôi cháu mời bác ra”, thế là “bố” tôi nằm vật ngửa ra sàn nhà.

Cô Nguyễn Thị Ly
Cô Hoài nói chúng tôi cứ ra ngoài rồi về trước, một lúc thì thấy đứa con gái đi ra. Tôi không biết bố tôi vẫn “nhập” vào con bé nên vỗ vai hỏi: “Thế con tỉnh chưa thì đi về?”. Yên lặng một lúc rồi con bé bỗng hét lên: “Không ra, đi về nhà, đi về nhà!”. Tôi sợ quá liền cầu cứu chị Hoài. Chị quay sang “bố” tôi rồi nhẹ nhàng hỏi: “Bác ơi, thế bác có thương con gái bác không”, “bố” tôi gật đầu. Chị Hoài nói tiếp: “Bác có thương vợ, thương cháu bác không?”, “bố” lại gật gật. Tiếp đấy chị Hoài nói: “ Bác về nhà gặp con rể nói chuyện xong rồi thì bác phải ra đấy nhé”, “bố” tôi gật đầu. Ngay sau đó chú tôi chở con gái (cũng như “bố” tôi) về trước. Tôi lóc cóc đạp xe về tới nhà đã thấy “bố” tôi ngồi khoanh chân chễm chệ trên giường, cùng lúc đó chồng tôi bước chân vào nhà.

Vừa nhìn thấy chồng tôi, “bố” tôi nói như gào lên: “Phải biết đến tôi, phải biết là có tôi”. Nghe “bố” nói vậy khiến tôi ngỡ ngàng vì tôi gọi mấy tiếng mà bố chẳng nói gì, thế mà vừa gặp con rể bố nói ngay. Trong câu chuyện với chồng tôi, tôi mới hiểu bố tôi thương con rể lắm, nhà khó khăn, đến ăn còn không đủ vậy mà vì thương vợ, thương bố vợ thấy tôi đòi đi thầy nào, ở đâu, anh cũng không phàn nàn và tự mình đưa vợ đi. “Bố” tôi khóc nói với chồng tôi: “Bố ở xa lắm, không phải lo cho bố, đừng tìm bố nữa. Nhớ bố thì ra thắp hương ở nghĩa trang quê mình là được, các con cứ lo làm ăn cho tốt, đừng tìm bố”. Trong câu chuyện “bố” nói  thương mẹ tôi và vợ chồng tôi nhiều lắm. Tôi cũng nói mong muốn được đưa bố về chăm sóc ở quê nhà cho gần gũi nhưng thuyết phục đủ mọi cách vẫn không được, “bố” cứ cố tình nói sang chuyện khác.

Thú thực, tôi chưa bao giờ áp vong kiểu này nhưng khi nghe những điều đúng như bố tôi nói nhưng qua miệng của con gái thì tôi cũng thật sự kinh ngạc. Sau khi “bố” tôi thoát ra khỏi con gái, tôi lên gặp chị Hoài và kể lại toàn bộ câu chuyện. Nghe xong, chị giải thích cho tôi  rằng, như vậy bố tôi chưa đồng ý thì chưa thể tìm được hài cốt. Sau đó tôi có tìm nhưng không thể gặp được nữa”.

Theo lời chị Ứng, sau lần gặp nhà ngoại cảm Nguyễn Ngọc Hoài, chị lại tiếp tục đi thêm nhiều nơi, gặp nhiều nhà ngoại cảm khác để tìm bố. Nhưng rồi những chỗ đó họ toàn làm các việc như giải hạn, xin lộc, cầu may, cho đến chữa bệnh, cũng có chỗ họ làm theo lịch chẵn lẻ, ngày chẵn xem bói, ngày lẻ để gọi vong. Cũng có chỗ chị đến gọi vong hồn bố và lên nhập vào cô đồng, nhưng những lời cô đồng nói chị cảm thấy khó tin, nên không đi đến nơi cô đồng bảo để tìm mộ bố. Tiếp đó, chị lại đến một vài nhà ngoại cảm, nhưng nhà chị dù có cố gắng đến mấy cũng không thấy vong hồn bố đâu cả.

Ngồi nghe từ đầu đến cuối câu chuyện, chồng chị Ứng mới nói: “Tôi làm xe ôm cho vợ đến cả trăm lần, nhưng chỉ vì thương vợ quá thôi chứ tôi chả tin. Đi tìm, đi nhờ mãi đến tận bây giờ vẫn chưa tìm được mộ. Nhưng sau cái lần chị Hoài giúp cho bố tôi nhập vào con gái về nói chuyện với tôi, bản thân tôi tin là có một thế giới khác. Tôi hiểu  bố vợ tôi không cho chúng tôi đi tìm mộ vì sợ vất vả nhưng tôi vẫn mong sao có ngày gia đình tôi tìm được mộ, để mang bố về với con cháu ”.

Trần Hiển- Ngọc Tiến (ghi)

Theo Báo ĐS & HN