PGS.TS Ngô Ngọc Cát, Phó Giám đốc Trung tâm Đào tạo tư vấn & Chuyển giao công nghệ, Viện Khoa học & Công nghệ Việt Nam, Trưởng đoàn nghiên cứu khu vườn Long An: Đến thời điểm này (6/5/2005), tôi chưa nhận được bất cứ văn bản chính thức nào, chưa nhận được bất cứ thông tin nào từ các cơ quan trách nhiệm yêu cầu đình chỉ hoạt động của đoàn chúng tôi.
Thông tin trên báo viết đoàn của ông bắt đầu hoạt động nghiên cứu khoa học từ cuối tháng 2/2005 và vội vã công bố các dữ liệu chưa được kiểm chứng, thẩm định khoa học?
Tôi ngạc nhiên và hết sức bất bình với những thông tin xuyên tạc như vậy. Cho đến thời điểm này, các số liệu của chúng tôi từ các nhánh khảo sát khác nhau mới được tập hợp về Hà Nội, chưa có xử lý và kết luận gì.
Chưa có bất cứ cuộc họp nào, seminar khoa học nào, công bố kết quả dù là sơ bộ về cuộc khảo nghiệm. Chúng tôi chỉ có các cuộc làm việc hoàn toàn mang tính nội bộ với đại diện các cơ quan chức năng địa phương ở Long An, thông báo cho họ những công việc chúng tôi đã, đang và tiếp tục làm, và đề nghị họ phối hợp giúp đỡ và hợp tác.
Về văn bản, chúng tôi có báo cáo gửi trực tiếp UBND tỉnh Long An và Thứ trưởng Bộ Y tế, PGS.TS Lê Ngọc Trọng.
Thông tin trên báo còn dẫn ra ví dụ cụ thể đoàn của ông làm việc với các ngành chức năng và UBND tỉnh Long An ngày 10/3/2005. Tại đó, các ông “vấp phải phản biện khoa học từ phía địa phương” và tỏ ra “lúng túng, không chứng minh được từng sự việc bằng các luận cứ khoa học”.
Tôi không hiểu vì sao thông tin của các cuộc họp nội bộ lại được tiết lộ ra ngoài. Không những thế, thông tin còn bị bóp méo một cách tệ hại.
Buổi làm việc đó hoàn toàn mang tính xã giao, hành chính, trong đó, chúng tôi yêu cầu địa phương giúp đỡ và hợp tác với chúng tôi thực hiện nhiệm vụ khoa học do Bộ Khoa học& Công nghệ giao. Đặc biệt, tại cuộc họp đó, không hề có bất cứ câu hỏi hay cái gọi là phản biện khoa học nào từ các cơ quan địa phương như mấy tờ báo đó dẫn.
Thông tin trên báo còn bảo đoàn không trực tiếp vào vườn khảo sát. Thay vào đó, các ông thuê ông Nguyễn Văn Hữu, con rể chủ khu vườn lấy mẫu đất và nước cho các ông mang về thí nghiệm.
Không đúng! Tôi lấy ví dụ, TS Vũ Ngọc Quang, chuyên gia về đất ở Phòng Thổ nhưỡng & Tài nguyên đất, Viện Địa lý, phải đào các phẫu diện khác nhau ở các độ sâu khác nhau cả trong và ngoài vườn để đối sánh. Tổng cộng, TS Quang lấy 15 mẫu đất và việc phân tích đang tiến hành.
Về nước, trực tiếp KS Nông Văn Mạnh ở Phòng Tư vấn & Chuyển giao Công nghệ, Trung tâm Đào tạo Tư vấn & Chuyển giao công nghệ, cùng các nhà khoa học lấy 25 mẫu nước, khoan hai lỗ sâu 35m trong và ngoài vườn.
Ngoài ra còn có nhóm các nhà khoa học lấy các mẫu thực vật như lá cây, vỏ cây, v.v..., cũng cả trong và ngoài vườn. Chúng tôi còn nghiên cứu các yếu tố phóng xạ, xã hội học, vân vân và vân vân.
Tóm lại, hàng trăm mẫu được thu thập theo đúng quy trình nghiêm ngặt và được thực hiện trực tiếp bởi gần 40 nhà chuyên môn trong đó có cá nhân tôi.
Thông tin trên báo viết các ông không tham khảo các kết quả nghiên cứu trước đó của địa phương cũng như Bộ Y tế về khu vườn?
Sai! Tháng 10/2004, chúng tôi nhận được các báo cáo nghiên cứu từ Sở Khoa học & Công nghệ Long An. Tại cuộc họp ngay sau đó với các cơ quan chức năng địa phương cũng như đại diện Bộ Y tế, chúng tôi nêu nhận xét về các kết quả nghiên cứu đó với hàng loạt khiếm khuyết.
Ví dụ, các số liệu đo điện từ trường trên địa bàn có một số điểm dị thường nhưng báo cáo nghiên cứu lại kết luận không có gì bất thường. Báo cáo ghi lấy mẫu nước phân tích nhưng thực tế không hề lấy.
Về phân tích đất, những người nghiên cứu không lấy các mẫu đất trong vườn để phân tích. Thay vào đó, họ lấy kết quả phân tích đất trước đó của huyện Đức Hoà vào để sử dụng, v.v...
Tất cả những nhận xét đó tôi nêu công khai trong cuộc họp có nhiều thành phần tham gia nhưng rất tiếc không có phản hồi nào từ phía các đơn vị trực tiếp làm các nghiên cứu đó.
* Theo thông tin mới nhất chúng tôi nhận được, Thứ trưởng Bộ Khoa học & Công nghệ - TS Lê Đình Tiến - vừa làm việc với đoàn nghiên cứu và không hề có bất cứ chỉ thị nào buộc đoàn phải dừng công việc. Hội đồng liên ngành còn yêu cầu đoàn hoàn thành nốt những phần việc chưa hoàn thiện.
* Bước đầu tìm hiểu hoạt động nghiên cứu của Bộ Y tế ở vườn Long An, được biết, đoàn công tác đầu tiên của Bộ Y tế vào khu vườn từ ngày 22/3/2005.Ngày 23/4, cuộc khảo sát đầu tiên được thực hiện từ 9 - 12 giờ. Ngày 27/4, cuộc khảo sát thứ hai kéo dài 4,5 tiếng, từ 9 - 12 giờ sáng và từ 2 - 3h30 chiều.
Cuộc khảo sát thứ ba thực hiện vào ngày 4/5 kéo dài 3 tiếng, từ 9 - 12 giờ.
PGS.TS Hà Vĩnh Tân, Giám đốc Trung tâm Công nghệ môi trường, thành viên đoàn khảo sát: Trước khi đi đến kết quả nghiên cứu, điều quan trọng nhất để có kết quả tin cậy là phải bàn về phương pháp luận nghiên cứu.
Nghiên cứu mà Bộ Y tế công bố kết quả năm ngoái, tôi cho rằng, được tiến hành trên cơ sở phương pháp luận thiếu khoa học. Tiến hành khảo sát 5 trường hợp, cỡ mẫu không những quá bé mà còn không đảm bảo khách quan ở đa số trong số 5 mẫu đó (Tiền Phong Chủ Nhật đã có bài phản ánh). Ngay bây giờ tôi sẵn sàng tranh luận với bất cứ ai về phương pháp luận nghiên cứu mà đoàn khảo sát chúng tôi đang áp dụng, trừ việc bàn luận về kết quả.
PV: Các ông tiếp cận nghiên cứu thế nào?
PGS.TS Hà Vĩnh Tân: Về đối tượng, chúng tôi xác định đây là hiện tượng lạ, phức tạp, và chưa từng gặp. Trước mắt, trong phạm vi được phép, chúng tôi chỉ làm thống kê xã hội học và làm “Phiếu điều tra tình hình chuyển biến sức khỏe của con người liên quan đến môi trường tự nhiên”.
Chúng tôi chỉ giới hạn xem xét yếu tố tự nhiên ảnh hưởng đến con người như thế nào. Rất tiếc, cách tiếp cận đó bị Bộ Y tế phản đối.
Một số báo phản ánh vừa có một người qua đời ở vườn Long An. Phải chăng vườn Long An không hề có gì kỳ lạ như nhiều người tưởng?
PGS.TS Hà Vĩnh Tân: Bệnh nhân qua đời không phải trong mà là ngoài khuôn viên khu vườn. Hơn nữa, vườn Long An không phải là bệnh viện nhưng đại đa số những người đến đó đều mang bệnh trọng, nhất là những bệnh nhân giai đoạn cuối.
Việc một hoặc thậm chí sau này vài người qua đời ở vườn Long An, tôi nghĩ, không liên quan gì đến việc khu vườn có kỳ lạ hay không. Cái đó phải chờ kết quả khảo sát khoa học.
Có thông tin nói các ông phát tán thông tin cho chủ khu vườn để chủ khu vườn phát tán ra ngoài khiến hàng nghìn người lại đổ xô về.
PGS.TS Ngô Ngọc Cát: Cái đó nên để cơ quan chức năng làm rõ. Chúng tôi chủ động làm công văn đề nghị chính quyền địa phương và gia đình phối hợp hạn chế số người vào để đảm bảo an toàn và giữ gìn vệ sinh môi trường. Tuy nhiên, chính quyền không có bất cứ phản hồi gì trong khi gia đình nói họ không thể ngăn cản được.
PV: Thông tin trên báo còn nói tình hình vệ sinh môi trường trong khu vườn rất tệ?
PGS.TS Hà Vĩnh Tân: Những lúc tôi có mặt ở khu vườn không có chuyện đó. Trong phạm vi khu vườn vẫn đảm bảo sạch sẽ do các thành viên trong gia đình có khu vườn rất ý thức được công việc mình làm. Bên ngoài khu vườn, đúng là có chuyện mất vệ sinh thật.
Tôi cho địa phương hoàn toàn có thể giúp cải thiện và lập lại trật tự vệ sinh ngoài khu vườn nếu họ muốn. Nhiều lần chúng tôi gửi công văn đến chính quyền xã, huyện, và tỉnh nhưng không nhận được sự phối hợp nào.
Với những tin bài phản ánh gây bất lợi cho các ông như thế, công việc liệu có bị dừng lại? Mặt khác, cho dù chưa xử lý số liệu, chưa có kết luận, chắc các ông cũng phải có ý kiến gì về khu vườn Long An chứ? Các ông tin khu vườn thực sự “kỳ lạ” hay các ông kiên quyết làm tiếp đơn giản chỉ vì đấy là nhiệm vụ được giao?
PGS.TS Ngô Ngọc Cát: Anh là nhà báo tiếp xúc với chúng tôi ngay từ đầu và biết rất rõ từng bước đi của đoàn nghiên cứu từ lúc ở dạng ý tưởng. Chưa bao giờ chúng tôi nói với anh kết luận của chúng tôi về khu vườn như thế nào và chúng tôi rất cám ơn về nguyên tắc đưa tin, phản ánh của báo Tiền Phong.
Chúng tôi làm việc này vì cả hai, trách nhiệm và đam mê khoa học. Những hiện tượng bất bình thường ở Long An là có thật. Tất cả chúng ta có trách nhiệm làm sáng tỏ điều đó một cách khoa học chứ không thể phủ nhận một cách chủ quan. Và đấy là cách tốt nhất để giữ vững an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội ở địa phương.
Xin cám ơn các ông!
Quốc Dũng
Nguồn: Báo Tiền Phong