18 tháng 2, 2015

Lên xứ Mường diện kiến 'cao thủ' bùa yêu

Bùa bằng sợi tóc, thứ bùa
nguy hiểm nhất của người Thái.
Ảnh: T.L
Nói đến sự nổi tiếng của bùa ngải, phải nhắc đến các vùng đất ở miền Tây xứ Nghệ, xứ Thanh hay Hòa Bình, Phú Thọ. Ở những nơi ấy, người Mường, người Thái sinh sống đông và cũng ẩn chứa nhiều truyền thuyết bí ẩn về phép chữa bệnh và bùa ngải.

Chúng tôi đã được tiếp kiến những bậc “thầy” về bùa ngải ở những vùng đất này và nhận thấy một điều, những người mà chúng tôi đã gặp, họ đều làm vì mục đích tốt: Gắn kết những đôi vợ chồng bên bờ vực ly hôn trở về với nhau.
Những câu chuyện như… truyền thuyết

Trong chuyến đi lên các huyện Thanh Sơn, Tân Sơn (Phú Thọ), khi chúng tôi hỏi địa chỉ của những “thầy bùa” Hà Ngọc Dành, Hà Văn Thắm, Hoàng Đức Sin, Hoàng Văn Trọng, Hà Văn Bày, Hà Xuân Nhã, Quàn Thị Lam… người dân gần như chỉ đường vanh vách. Nhiều người trong số các “thầy bùa” này tuổi đã cao, có người đã mất, người bỏ nghề hoặc chỉ nhận làm bùa cho người quen biết. Ở đất Thanh Sơn, nói đến bùa ngải là nói đến một thứ quen thuộc và người dân cũng tin rằng, bùa ngải là thứ “vô hình” nhưng có khả năng “siêu phàm”.

Có một câu chuyện đậm chất liêu trai mà người dân ở Thanh Sơn vẫn truyền miệng: Một người đàn ông quê ở Tứ Xã (Lâm Thao) tên Hưng, vốn xấu xí và nhà nghèo nên mãi không lấy được vợ. Biết ở dưới Thanh Sơn có nhiều thầy làm bùa nên đã xuống nhờ một ông thầy cao tay giúp. Chẳng bao lâu sau, người đàn ông tên Hưng này đã có vợ đẹp, con khôn. Tuy nhiên, người vợ chẳng may đột tử, thay vì lo hậu sự thì ông này cứ như người mất hồn, đòi chết theo và ngồi… ngửi xác vợ. Cũng có một câu chuyện khác kể về một cô gái xấu xí tên M. lấy được anh chồng đẹp trai, làm nghề xây dựng rất giàu có. Người chồng của M hiện tại từng có vợ đẹp, con khôn ở Hà Nội nhưng sau khi gặp M thì về nhà đùng đùng viết đơn, ép vợ ký rồi ra tòa ly hôn để cưới M.

Anh Hà Văn Hoạt, “hậu duệ” của thầy bùa Hà Văn Bày. Ảnh: P.B
Khi trò chuyện với chúng tôi, anh Hà Văn Hoạt – một trong những người cháu của thầy bùa Hà Văn Bày (xã Địch Quả, huyện Thanh Sơn) cho biết: “Đó chỉ là những câu chuyện trước đây thôi. Như bản thân tôi, tuy được ông bác (ông Bày) truyền lại nhưng đến nay tôi chưa giúp một trường hợp nào”, anh Hoạt chia sẻ.

Là người gốc Mường nhưng trước đây anh Hoạt chưa bao giờ có lòng tin vào bùa ngải – “nèm chài” của dân tộc mình. Anh Hoạt kể lại, từ lúc nhỏ anh không quan tâm lắm, cho đến khi lấy vợ, sinh con, nhất là khi ông Hà Văn Bày đến ở cùng nhà thì anh mới bắt đầu để ý. “Không chỉ trong xã mà cả huyện này biết bác tôi, thậm chí ở tỉnh cũng có người biết. Nhưng vì không mê tín nên tôi chỉ bảo với ông bác là “ông chỉ đi lừa người dưng”. Tuy giận nhưng ông không giải thích cho tôi nhiều. Sau này, biết không còn sống được bao nhiêu nữa, ông muốn truyền lại cho con cháu thì mới gọi tôi, làm một số phép thuật…”, anh Hoạt nhớ lại.

Theo anh Hoạt, ông Hà Văn Bày biết làm bùa từ khi nào, rồi ai truyền thì anh không hỏi. Chỉ biết có một số người đến nhờ ông giúp. Bản thân ông Bày có rất nhiều vợ. “Ông có đến 6-7 vợ, ở khắp nơi nên chúng tôi chả biết hết được tên. Trước khi mất 6 năm (ông Bày mất năm 2011 – PV), có một bà trẻ đẹp ở tận huyện Yên Lập còn theo ông về nhà sống như vợ chồng. Được một vài năm thì cả hai ông bà lại quay về Yên Lập sống tiếp cho đến khi ông lâm bệnh nặng”.

Kể về cái chết của ông Hà Văn Bày, anh Hoạt cho biết, khi ông Bày hấp hối, bà vợ ở Yên Lập có gọi điện thoại cho gia đình lên đón về. Nhưng vì trước đó, ông bày có “chài” bà này nên hấp hối mãi không “đi” được. Sau đó, anh Hoạt phải đi nhờ một thầy cao tay hơn “giải bùa”, ông mới trút hơi thở cuối cùng.

Chị Dương Thị Dung (vợ anh Hoạt) cho biết, người đến nhờ ông Bày phần lớn là phụ nữ. “Trong xóm tôi có trường hợp yêu nhau, cô gái có bầu nhưng chàng trai vì nghe bạn bè trêu chọc nên không chịu cưới. Cô gái đến nhờ ông bác giúp, bây giờ vợ chồng họ sống hạnh phúc, đứa con đầu lòng cũng đã mấy tuổi rồi. Còn trường hợp chồng ngoại tình rồi vợ đến nhờ ông bác giúp thì nhiều lắm. Họ ở trong xóm, trong xã, trong huyện rồi dưới tận Hà Nội lên nữa. Các trường hợp tìm đến đây nhờ, ông bác chỉ làm những điều tốt thôi”, chị Dung kể.

Đến giờ, vợ chồng anh Hoạt vẫn chưa quên một trường hợp ở Hà Nội lên nhờ ông Bày giúp. Chị Dung kể, có chị tên H ở khu vực Mỹ Đình, chồng làm gì đó rất giàu. Tuy nhiên, gần đây chị H phát hiện chồng ngoại tình, bỏ bê vợ con đi suốt không về nhà. Mặc dù chị H đã dùng đủ kế sách nhưng người chồng vẫn không tỉnh ngộ, thậm chí còn suốt ngày đánh đập chửi bới vợ. Được người mách, chị H lên Thanh Sơn nhờ ông Bày giúp. Với mấy hạt muối và khoảng 20 phút ông Bày “làm phép”, sau đó người chồng của chị H đã quay về sống hạnh phúc với gia đình như trước. “Được ông bác giúp, chị H quay lại cám ơn nhiều tiền lắm nhưng ông bác không nhận. Để tỏ lòng, thỉnh thoảng chị ấy lại biếu ông bác vài ba trăm uống rượu và một ít quà cáp”, chị Dung cho biết.

Ông Hà Ngọc Dành. Ảnh: P.B
Cách nhà thầy bùa Hà Văn Bày khoảng 30km là nhà ông Hà Ngọc Dành (69 tuổi ở xóm Cá, xã Tân Phú, huyện Tân Sơn), một trong những thầy bùa nổi tiếng ở đất bùa Phú Thọ. Lúc chúng tôi đến, trong nhà ông Dành đang có 4-5 trường hợp đến nhờ ông giúp.

Ngồi trò chuyện, bà Lương Thị Hoa (ở xã Minh Đài, huyện Tân Sơn) cho biết, do vợ chồng con trai đang có xích mích nên bà đưa con trai lên đây nhờ ông Dành làm bùa cho hai người sống hạnh phúc. Bà Hoa kể: “Vợ chồng nó cưới nhau cũng được mấy năm và có một con gái 3 tuổi rồi. Vợ nó còn ít tuổi và làm công nhân ở nhà máy chè, chả hiểu như thế nào mà nó tát vợ mấy cái. Vì tức giận nên vợ nó bỏ về nhà anh em ở Hà Nội làm quán ăn rồi ở đó luôn. Cả chồng, rồi gia đình chúng tôi gọi điện khuyên nhủ nhiều mà vợ nó không chịu về. Vợ bỏ đi, con còn nhỏ, thương con, thương cháu mà tôi chẳng biết làm sao nên hôm nay tôi đưa con lên đây nhờ thầy Dành làm bùa kêu vợ nó về”.

Sau khi hỏi han chuyện của vợ chồng Hùng (con trai bà Hoa), ông Dành yêu cầu Hùng đưa ra một bộ quần áo của vợ. Bộ quần áo ấy được ông Dành cuốn lại gọn gàng, sau đó lấy chiếc áo khoác mà Hùng đang mặc bọc lại. Sau đó, ông đặt lên bàn thờ nhà mình. Trên bàn thờ, ông chuẩn bị trước một chậu nước nhỏ, một lọ nước. Ông vẩy một ít nước lên bộ quần áo rồi quay sang lấy hai đồng tiền xu để xin âm dương. Sau tiếng leng keng phát ra, ông Dành nói “Được”, rồi quay sang bảo Hùng: “Sẽ đón được vợ về thôi”. Ông Dành bảo anh Hùng đặt lễ bằng tiền mặt lên bàn thờ, vợ thì 190.000 đồng, chồng là 170.000 đồng. Đặt lễ xong, ông Dành lấy nhang ra châm lửa rồi khấn liền mạch bằng tiếng Mường. Thắp nhang xong, ông Dành cầm chai nước đặt trên bàn thờ đưa cho Hùng và dặn: “Con về nhà, trước khi đi đón vợ thì con hãy lấy nước này súc miệng 3 lần, đổ nước ra tay trái rồi vuốt lên tóc 3 lần, cứ thế đi thẳng đừng ngoái lại…”.

Tuy nhiên, theo ông Dành, thủ tục như vậy mới chỉ là bước đầu. Hùng phải lấy một đĩa gạo, một đĩa muối, một chai nước để nơi thoáng mát trước 12h trưa. Đến 12h ông Dành sẽ thắp hương khấn để làm phép, sau đó gạo thì bỏ vào thùng, muối thì cho vào canh, còn nước đổ vào nấu cơm.

Không biết việc bùa ngải của ông Dành hiệu nghiệm hay bởi sau khi nóng giận thì người vợ cũng nghĩ lại mà trước Tết Ất Mùi ít ngày, Hùng điện thoại cho chúng tôi báo rằng, vợ chồng Hùng đã về với nhau. “Vợ em đã nghe lời em về nhà rồi. Tết này vợ chồng em sẽ lên cám ơn thầy anh ạ”, Hùng hồ hởi khoe.

Tôi chúc mừng Hùng rồi nghĩ, con còn nhỏ thế, chồng cũng đã biết hối lỗi, lại năm hết tết đến, đến đàn ông cũng muốn về nhà, huống chi là phụ nữ! Nhưng dù sao, sự trở về của người vợ với bao nhiêu khó khăn, vất vả cầu cạnh thầy bùa của Hùng cũng sẽ cho anh này một bài học: Hạnh phúc có được không dễ gì, vậy nên hãy biết trân trọng nó!

Chỉ làm bùa vì mục đích tốt

Chuyện bùa ngải của người Thái ở dải đất miền Tây xứ Nghệ và xứ Thanh cũng rất nổi tiếng. Ông Lương Văn Liên, một trong những thầy bùa nổi tiếng (ở xã Thanh Kỳ, huyện Như Thanh, Thanh Hóa) có khả năng yểm nhiều loại bùa khác nhau, đồng thời cũng đã chứng kiến khá nhiều việc hệ lụy từ việc sử dụng bùa chú. Ông Liên cho biết, loại bùa yêu đơn giản nhất mà ông biết chính là dạng… vỗ vai. “Nam tay trái, nữ tay phải. Khi thấy người mình ưng ý, chỉ cần đưa tay lên miệng rồi lẩm bẩm mấy câu tiếng Thái, đại ý là “Anh xa em như chim xa cành, em xa anh như cá xa nước”, sau đó vỗ vào vai đối phương. Bùa này hiệu quả nhanh nhưng cũng nhanh tan lắm. Chỉ gần nhau một thời gian là bùa tự hóa giải”.

Bùa yêu là mấy chiếc lá hoặc nhúm muối.
Bên cạnh loại bùa vỗ vai, ông Liên còn giới thiệu cho chúng tôi một loại bùa yêu dùng bằng cốc nước. Đó là vừa rót nước, vừa đọc nhẩm câu thần chú, thổi vào cốc nước 3 cái, sau đó mời đối phương uống. Đối phương uống vào là bị “dính” bùa yêu ngay.

Ông Liên bảo, trong những loại bùa yêu mà ông biết thì bùa dùng bằng sợi tóc là loại nguy hiểm nhất, vì một người chết đi thì người còn lại không kịp giải bùa cũng sẽ phải chết theo. Chính vì vậy mà thầy bùa Lương Văn Liên chỉ giúp những người muốn tìm lại hạnh phúc gia đình hoặc vì mục đích tốt đẹp. Theo ông Liên, loại bùa này được làm bằng cách lấy hai sợi tóc của hai người, đọc thần chú rồi bỏ vào túi vải nhỏ, sau đó treo túi vải lên xà nhà. Nếu như bình thường hai người gặp nhau mà không yêu thì sau khi làm bùa độ 2-3 ngày là họ tự tìm đến với nhau (!?).

Theo “bật mí” của các thầy bùa, tương tự như bùa ngải của người Thái, bùa ngải xứ Mường sẽ rất nguy hiểm nếu người bỏ bùa chết mà người kia không kịp giải. Anh Hà Văn Hoạt nói rằng, đối với bùa ngải mà ông Bày truyền lại, nếu người bỏ bùa chết mà không kịp giải thì có thể nguy hiểm đến tính mạng, có thể là 3 ngày, 3 tháng nhưng không quá 3 năm. Và người “giải” phải cao tay hơn người “làm”.

Có lẽ chính vì sợ người khác lợi dụng bùa ngải để làm việc xấu nên ông Bày chỉ tin tưởng mình anh Hoạt. Trước khi chết, ông Bày cũng đã truyền lại toàn bộ “phép thuật” cho người cháu của mình. Tuy nhiên, anh Hoạt hiện nay không giúp ai vì “tôi cũng đang trẻ nên lo làm ăn, buôn bán kiếm tiền nuôi con ăn học khôn lớn đã. Bùa ngải không phải cái nghề nên không thể kinh doanh kiếm ra tiền được. Trước khi được truyền nghề, ông bác có bảo, nếu ai nhờ giúp thì thứ nhất là phải giúp việc tốt, thứ hai là không được đòi tiền, bởi đòi tiền bùa sẽ mất tác dụng”. Nói rồi anh Hoạt chỉ tay lên một quả đồi, bảo: “Mặc dù giúp đỡ rất nhiều người giàu nhưng bác không bao giờ lấy tiền của ai. Bao nhiêu năm qua, ông sống trong cái túp lều rách nát, đến cuối đời thì hay sang gia đình tôi, rồi ở với bà vợ huyện Yên Lập”.

Theo anh Hoạt, người nắm được bí kíp làm bùa là người phải có tâm, có đức và chỉ giúp những việc tốt. “Tôi được ông bác truyền lại chỉ hơn 10 câu thần chú. Mỗi câu áp dụng cho một phương pháp và cách làm khác nhau. Người đến làm phải có niềm tin nó là sự thật, còn nếu không có lòng tin thì bùa ngải sẽ mất tác dụng. Các dụng cụ để “yểm bùa” có thể là hạt muối, cái áo, có khi là cái kẹo… Thời gian làm bùa cũng nhanh, chỉ mất chừng vài chục phút”, anh Hoạt chia sẻ.

Còn nói về việc làm bùa ngải của mình, ông Hà Ngọc Dành bảo: “Đó là việc làm phúc, làm đức cho mọi người, khả năng đến đâu làm đến đó. Gia đình nào mâu thuẫn, gối chăn không hòa thuận, hay các đôi trai gái đang yêu nhau, định lấy nhau nhưng một bên không ưng thuận thì tôi sẽ giúp. Nếu ai nhờ tôi làm điều xấu thì tôi từ chối ngay”.

Ông tiết lộ, nghề làm bùa ngải của ông được mẹ đẻ truyền cho từ lúc ông còn trẻ. Trong dòng họ, tính đến ông Dành là đời thứ tư làm nghề này. Ông Dành bảo, để làm được bùa hiệu quả thì trước hết tâm người làm bùa phải sáng (không được làm hại người khác), nếu không sẽ gặp quả báo.

Vén bức màn bí ẩn của bùa ngải

Đã có rất nhiều câu chuyện về bùa yêu, được kể lại na ná như nhau, đại loại như: Một người đàn ông (hoặc đàn bà) xấu xí, nghèo túng nhưng vẫn lấy được vợ (chồng) đẹp đẽ, giàu sang, vì họ đã sử dụng bùa yêu. Người vợ (chồng) nếu có ý định rời bỏ đối phương sẽ bị ốm lăn lóc, thậm chí nguy hiểm đến tính mạng… Những câu chuyện cứ hư hư, thực thực như vậy, cộng với sự thêm thắt của người kể đã khiến bùa ngải trở nên bí ẩn, đáng sợ.

Nhưng bùa ngải có thật sự đáng sợ như vậy không?

Chuyên gia thôi miên Nguyễn Mạnh Quân đã từng làm một thí nghiệm rất thú vị. Trong một buổi trò chuyện, ông nghiêm mặt chỉ tay vào một người rồi nói: “Anh đã uống chén nước bị tôi làm phép. Tôi vừa bỏ bùa anh đấy, giờ anh sẽ thấy tức ngực, khó thở…”. Sau ít phút, người kia thấy khó thở thật. Lúc này ông Quân mới cười phá lên và nói chẳng có bùa chú nào cả, đó chỉ là một phản ứng tâm lý. Phản ứng này đã không xảy ra nếu người trong cuộc thí nghiệm trên đã không tin lời ông Quân ám thị. Theo ông Quân, đại đa số bùa ngải chỉ là những liều thuốc tâm lý mà thôi.

Còn theo một số nhà nghiên cứu khác lý thì bùa (ngải) yêu có thực, nhưng cũng không có gì là kỳ bí. Loại bùa này chủ yếu được làm từ các loại thảo dược, có tác dụng kích thích bằng mùi. Khi gặp phải “bùa yêu” này, người ta sẽ bị kích thích, từ đó nảy sinh ham muốn với người bỏ bùa. Sau một thời gian gần gũi, từ chỗ bị “bỏ bùa”, rất có thể hung thủ và nạn nhân sẽ gắn bó thật.

Với những chuyên gia tâm lý, họ nói rằng, chuyện bỏ vợ, bỏ chồng để đến với người tình thì ngày nay có quá nhiều và cũng chẳng cần tới một thứ bùa ngải nào cả.

Tất nhiên, bùa ngải không chỉ đơn giản như vậy, nhưng những lời giải thích này đã phần nào vén được bức màn bí ẩn của bùa ngải.


Phùng Bình

Báo Gia đình & Xã hội Xuân Ất Mùi