Tự truyện khó tin của cô gái mù “có phép lạ”
TPCN - Một cô gái phải bỏ đi cả đôi mắt của mình đã nhìn thấy ánh sáng, có thể trông thấy gương mặt mình trong gương và nhìn nắng lên trên hàng cau trước ngõ...Chuyện hoang đường chăng? Cô gái ấy đã kể lại tuổi thơ dữ dội và hành trình từ bóng tối đến với thế giới ánh sáng trong cuốn tự truyện của mình.
“Tôi mù?”- tự truyện của cô gái mù “có phép lạ” vừa được Nhà xuất bản Hội Nhà văn và Công ty Đông A ấn hành, cuốn sách dẫn dụ độc giả tới một thế giới chưa từng có…
Côn Sơn – một ngày thu cách đây đã 2 năm, tôi gặp Nguyễn Thanh Tú khi cô đang cùng những người mù tập dưỡng sinh.
Gương mặt cũng thanh tú như tên gọi, làn da trắng hơi xanh xao, Tú giống như một tiểu thư quen sống cảnh “êm đềm trướng rủ màn che”. Nhưng đằng sau vẻ ngoài khuê các ấy là một quãng đời bất hạnh với những ký ức buồn.
Mắc chứng Glo-côm bẩm sinh, mới cất tiếng khóc chào đời, Tú được đưa từ nhà hộ sinh đến thẳng Viện Mắt. Bốn lăm ngày tuổi, Tú lên bàn mổ lần đầu, mười sáu tuổi phải bỏ cả hai mắt sau mười lần phẫu thuật. Tú sống trong thứ bóng tối đậm đặc và tưởng chừng như vĩnh viễn.
Bóng tối ấy dường như sẽ làm Tú tàn phế về mặt tâm hồn, sẽ tuyệt vọng... nếu “ánh sáng cuối đường hầm” không xuất hiện khi tháng 10/1994 Tú được giới thiệu lên Hội Người mù Việt Nam để tiếp cận một phương pháp dưỡng sinh. Người hướng dẫn phương pháp này - nhà văn Nguyên Bình - đã giúp Tú kiên trì tập.
Tập luyện được một thời gian, ngày nọ Tú bỗng thấy không gian bừng lên, một thứ ánh sáng rực rỡ bao phủ đôi mắt cô. Từ chỗ “nhìn” còn mờ mờ, ảo ảo dần dần Tú “nhìn” rõ hơn.
Cô thấy những chùm hoa khế đang rụng trước sân, chiếc lá vàng bay là là dưới mái hiên… Những khoảnh khắc đời thường ấy đối với cô gái phải đeo mắt nhựa này là một cái gì đó còn kỳ diệu hơn cả chuyện cổ tích…
“Thế giới ánh sáng” của cô gái mù này đã được kể lại trong cuốn tự truyện mà Tú bắt đầu viết từ năm 1999. Viết bằng chữ bình thường, viết bằng chữ nổi, rồi “phiên dịch” lại. Cần mẫn với những con chữ gần bảy năm, giờ đây “Tôi mù?” đã xuất hiện trên các hiệu sách. Với Tú, cuốn tự truyện “Tôi mù?” là một cột mốc đánh dấu bước ngoặt trong hành trình đi tìm ánh sáng của người mù.
Tú cầm cuốn tự truyện trên tay, đôi mắt nhựa của cô dường như đang ánh lên những tia sáng hạnh phúc.
Cô nói: “Cuốn sách này phải ra đời như một lẽ đương nhiên bởi vì nó rất có ích cho hành trình tìm lại ánh sáng của người mù. Em muốn chuyển một thông điệp: Trên đời đang có một phương pháp tìm ánh sáng cho người phải chịu sự khắc nghiệt của số phận.
Em không có ý định viết một tác phẩm văn chương. Bằng việc kể lại quãng đời từ bóng tối tới ánh sáng của mình, em muốn gửi gắm tới những người khiếm thị một niềm hy vọng, một nghị lực vươn tới, vượt lên số phận, khẳng định giá trị của chính mình”.
“Dường như Tú đang gắn cuộc đời mình với việc đi tìm ánh sáng cho người mù? Một công việc duy nhất mà Tú yêu?”.
Thanh Tú trả lời bằng tiếng cười trong veo: “Công việc em đang làm nhọc nhằn đến mức không yêu nó được. Biến cái hoang tưởng thành hiện thực- một cái gì đó “điên” như húc đầu vào đá.
Nhưng điều quan trọng là cái tưởng chừng như hoang tưởng đó đã có kết quả, nhiều người mù tập luyện phương pháp này đã “nhìn thấy” và bản thân em cũng được nó “cứu rỗi”.
Đã mấy năm nay, ngôi nhà rợp bóng cây của Tú trở thành nơi lui tới của nhiều người mù. Họ đến đây để được cô gái “có phép lạ” này hướng dẫn tập dưỡng sinh. Không ít người trong số đó đã thấy bừng lên trong mắt thứ ánh sáng mà họ đinh ninh rằng đã bị số phận tước đoạt vĩnh viễn. ánh sáng của đức tin, của khát vọng sống như những người hoàn toàn lành lặn?
Đã mấy năm nay, Tú âm thầm hướng dẫn tập dưỡng sinh cho những người cùng cảnh ngộ, cô làm việc này tự nhiên như nó phải thế, không hề đòi hỏi bất cứ sự thù lao nào. Với Tú, thù lao lớn nhất là khi những đôi mắt đã “ngủ quên” kia tự nhiên thức dậy.
Người ta gọi Tú là cô gái mù có “phép lạ”. Tôi đã được tận thấy “phép lạ” của Tú trong chuyến lên Côn Sơn đi thực tế với nhóm người mù của nhà văn Nguyên Bình.
Tôi còn nhớ đó là một buổi tối mùa thu êm như nhung, Thanh Tú đứng bên hồ nhìn vầng trăng lay động dưới đáy nước. Rồi cô gái mù này ngước lên nhìn không gian ngập tràn ánh bạc.
Những gì Tú kể lại sau đó hoàn toàn đúng như cảm nhận của tôi. Cũng hôm đấy, ở chùa Côn Sơn, Tú “nhìn” rõ đến mức cô có thể dùng que để chăn một đàn kiến đang chạy trên bãi cỏ.
Và mặc dù chiếc cặp của tôi để trong tủ ở khách sạn cách Tú hàng trăm mét, nhưng Tú đã đọc vanh vách trong đó chứa cái gì. Tin được không? Điều đó cần có thời gian và cần cả những tấm lòng khoan dung sẵn sàng tiếp nhận và chấp nhận những điều chưa- từng- có còn chưa được khám phá trong thế giới này.
Điều mà tôi bắt gặp trong cuốn tự truyện của cô gái vốn “nghèo hai con mắt” này là một tâm hồn giàu có đầy những cung bậc rung cảm trước cuộc sống.
Tuổi thơ của Tú không những bất hạnh vì mất đôi mắt mà còn phải chịu nỗi đau mất bố quá sớm. Mẹ Tú bươn chải nuôi hai chị em trong khi phải chống chọi với một số thế lực đòi cướp ngôi nhà mà họ đang ở.
Có lẽ vì thế mà trong cuốn tự truyện luôn xuất hiện hình ảnh của những con người gặp nhiều thiệt thòi, mất mát trong cuộc sống. Một cô gái mù bị cướp mất con, một ông lão mắc bệnh hiểm nghèo, phải bán hết gia sản còm để chữa bệnh…
Nhưng xuyên suốt tất cả, vẫn là niềm yêu sống và nghị lực phi thường của cô gái vừa ra đời đã có lý do để tìm đến cái chết.
Nhà văn Nguyên Bình nói về người học trò của mình: “Những người, những việc kể trong “Tôi mù?” có thể xếp vào loại Chuyện lạ có thật, thứ chuyện làm thỏa mãn trí tò mò của số đông.
Nhưng đọc kỹ và không định kiến, ta sẽ thấy đấy là công việc rất nghiêm túc. Lạ, vì nó vượt ra ngoài những hiểu biết của chúng ta... Dám mơ ước và dũng cảm biến ước mơ tưởng là hoang đường thành hiện thực, qua những trang viết chân thật, Nguyễn Thanh Tú gửi thông điệp cho mỗi chúng ta: đừng tuyệt vọng, dù trong đời gặp tai ương bất hạnh đến đâu.
Trên con đường gian nan tìm lại ánh sáng, tuy chưa có kết quả hoàn toàn như mong muốn, Nguyễn Thanh Tú đã trở thành người có nhiều để cho. Phẩm chất người ở tầm mức ấy không phải ai cũng có được”.
Phùng Nguyên
(Theo Tiền Phong Chủ Nhật)
Bấm vào đây đề xem toàn bộ cuốn tự truyện "Tôi Mù?"
******
Nhà văn Nguyên Bình - Nhân vật “thầy” trong Tôi mù?
Cuộc đời không mấy suôn sẻ đã làm cho sự nghiệp văn chương của ông gặp khó khăn? Có lẽ, lý do quan trọng nhất là việc ông tìm được đường đi khác mà theo ông, nó còn ý nghĩa hơn cả văn chương...Một trong những cuốn sách được dư luận quan tâm, chú ý trong thời gian gần đây là cuốn tự truyện Tôi mù? của cô gái khiếm thị Nguyễn Thanh Tú (NXB Hội Nhà văn và Công ty Đông A ấn hành). Bằng những câu chữ giản dị, chân thực, Nguyễn Thanh Tú đã kể lại một câu chuyện kỳ lạ ngoài sức tưởng tượng của con người: Những người mù tìm lại được ánh sáng bằng phương pháp dưỡng sinh phục hồi chức năng. Nguyễn Thanh Tú dành rất nhiều câu chữ, tình cảm để nói về “thầy” - người đã tìm ra phương pháp tập luyện mang lại ánh sáng cho người mù và âm thầm sát cánh, giúp đỡ họ từ hàng chục năm qua. Nhân vật “thầy” ấy chính là nhà văn Nguyên Bình.
Nhà văn, nhà báo... “bị đì”
Nhà văn Nguyên Bình năm nay 66 tuổi nhưng trông ông cứ như một cụ già đã bước qua tuổi “xưa nay hiếm” từ khá lâu rồi. Có lẽ, việc “lão hóa” của ông có một phần nguyên nhân từ cuộc đời quá nhiều trắc trở, truân chuyên...
Cuối những năm 1960, chàng trai Hà Nội Hoàng Đức Phú – tên thật của nhà văn Nguyên Bình – là một phóng viên tài năng, xông xáo của Báo Hải Phòng. Nhưng, chính cái tài ấy, cùng với tính khí thẳng thắn, bộc trực, chàng phóng viên trẻ này đã khiến một số người cảm thấy khó chịu. Tuy nhiên, cái “tội” lớn nhất của Nguyên Bình là “dám” thân thiết với nhà văn Bùi Ngọc Tấn. Năm 1968, khi cây bút tên tuổi này bị quy kết là “có vấn đề”, ông cũng bị soi xét. Đang là phóng viên, ông bị chuyển sang phòng tiếp bạn đọc. Suốt 13 năm trời, dù vẫn được bình bầu là lao động tiên tiến, mức lương của ông vẫn chỉ phóng viên bậc 4...
Năm 1978, cơ quan của Nguyên Bình xì xầm nhỏ to vì cuốn tiểu thuyết Những ngày đã qua, cho rằng đây là tập sách “chống phá”. Chỉ đến khi cuốn sách được Đài Tiếng nói Việt Nam phát trong chương trình Đọc truyện đêm khuya suốt một tháng trời, rồi giành giải A của Hội Nhà văn năm 1981, người ta mới hết cớ để hạch sách ông. Mệt mỏi, ông nộp đơn xin nghỉ mất sức.
Đã nghèo cứ gặp eo
Trở về Hà Nội với hai bàn tay trắng, vợ chồng ông được một người bạn cho ở nhờ trong căn nhà cấp 4 khu tập thể Trường Nguyễn Ái Quốc II. Một thời gian thì ông có “sao chiếu mệnh”: được nhận một chiếc xe ba-bet-ta - giải thưởng của tác phẩm Những ngày đã qua. Ngay lập tức, ông vác chiếc xe - một tài sản rất “oách” ngày đó – đi bán, được 17.000 đồng, vay mượn thêm 3.000 đồng, ông chuộc lại căn nhà 14 m2 của mẹ mình ở 28 Sơn Tây, lấy chỗ chui ra chui vào.
An cư rồi, nhưng ông vẫn chưa thể lạc nghiệp. Trường viết văn Nguyễn Du và Cục Điện ảnh sẵn sàng ký đơn tiếp nhận Nguyên Bình, nhưng vẫn không thể vượt qua được những áp lực từ Hải Phòng. Ông trở thành chủ hàng chè chén ngay nhà mình. Chẳng mấy chốc, hàng nước tí teo ấy phải đóng cửa, vì khách hàng nợ quá nhiều. May cho ông, lúc này đã kịp học nghề làm va-li của một trong những vị khách quen của quán. Mỗi ngày, ông phải nấu khoảng chục cân bột sắn để làm hồ dán va-li. Nhà chật, ông phải đưa nồi bột ra trước vỉa hè mà khuấy. Từ Hải Phòng lên chơi, chứng kiến cảnh ấy, nhà văn Bùi Ngọc Tấn kêu lên: “Sao cánh văn chương bọn mình lại khổ nhục như thế này?”. Ông cười, đáp lời bạn: “Mày cứ chờ xem, mấy năm nữa tao mở xưởng, rồi xuất khẩu va-li ra nước ngoài, tha hồ giàu”.
Thế nhưng cuộc sống của ông ngày một thiếu thốn hơn. Năm 1988, vợ ông đành nghỉ việc đi xuất khẩu lao động ở Đức. Hai năm sau về nước, nhờ vào khoản đền bù thất nghiệp của nước sở tại, vợ chồng ông mua được một mảnh đất khá rộng rãi ở cuối phố Tô Vĩnh Diện. “Phần thì để ở, phần làm lều văn để bạn bè văn chương tụ tập, phần thì xây nhà cho Tây thuê”- ông đã tính đâu vào đấy. Nhưng sự đời có mấy khi theo ý người? Vợ ông ốm nặng, hai đứa con đang tuổi ăn tuổi học, bao nhiêu việc phải chi tiêu, rồi ông lại “dính” vào những người mù, của nả trong nhà cứ thế mà đội nón ra đi. Đất đai của vợ chồng ông lần lượt sang tên cho người khác, đến nay thì chỉ còn một mảnh con con để 4 con người trú ngụ...
Mang lại ánh sáng cho người mù
Dù được các bạn văn quý trọng, yêu mến nhưng Nguyên Bình lại không phải là một cái tên quen thuộc với độc giả vì số lượng tác phẩm mà ông đã xuất bản không nhiều. Phải chăng điều này có phần nguyên nhân từ cuộc đời không mấy suôn sẻ của ông? Nhưng có lẽ, lý do quan trọng hơn cả, đó chính là việc ông tìm được một đường đi khác mà theo ông, nó còn ý nghĩa hơn cả chuyện văn chương...
Năm 1994, vợ ông bị bệnh thiểu năng tuần hoàn não, rối loạn tiền đình rất nặng. Nghe lời bạn mách bảo, ông tìm học môn Tĩnh công ý thức để về dạy lại cho vợ, hy vọng sẽ khỏi bệnh. Tập được mấy buổi, khi vẫn nhắm mắt ngồi trong căn phòng tối om, đột ngột ông thấy căn phòng sáng lên, mọi vật hiện ra rõ ràng. Thử đi thử lại nhiều lần, ông hiểu rằng mình đã nhìn được không phải bằng mắt. Trong ông chợt lóe lên ý nghĩ: mình nhắm mắt nhưng nhìn thấy được, chắc người mù cũng có thể nhìn thấy được. Ông liền tìm đến Hội Người mù, đề nghị một số người cùng luyện tập. Sau nhiều lần mày mò, thử nghiệm, ông đã tìm ra phương pháp Dưỡng sinh phục hồi chức năng, giúp người mù có thể nhìn được thế giới quanh mình...
Phần lớn, những người mù tập luyện theo phương pháp này nhìn thấy được mọi vật quanh mình. Cách tập luyện như thế nào để có được điều đó - những việc này đã được kể khá tỉ mỉ, chi tiết trong cuốn tự truyện Tôi mù? của Nguyễn Thanh Tú. Lý giải hiện tượng này như thế nào, đó là việc mà các nhà khoa học cần phải làm. Điều đáng nói ở đây là cái tâm không vụ lợi của nhà văn Nguyên Bình. Không chỉ tìm ra phương pháp tập luyện mang lại ánh sáng cho người mù, ông còn bỏ tiền túi tổ chức những chuyến đi tập ở Côn Sơn cho hàng chục người khiếm thị. Hiện nay, khoản thu nhập đều đặn hằng tháng của gia đình nhà văn Nguyên Bình là 460.000 đồng tiền trợ cấp mất sức. Đất đai, tiền bạc đã dần dần ra đi, và ông đã tính đến chuyện bán ngôi nhà mình đang ở, mua một căn nhà nhỏ tại một làng quê nào đó, lấy tiền làm những việc khác...
“Một trong những lý do khiến tôi viết Tôi mù? là để cảm ơn thầy tôi” - chị Nguyễn Thanh Tú nói. Có một điều ít người biết: hành trình tìm ánh sáng của những người mù mà Nguyễn Thanh Tú thuật lại trong tự truyện của mình từng được kể khá tỉ mỉ, chi tiết trong Người mù và tôi - cuốn tiểu thuyết của nhà văn Nguyên Bình, được NXB Thanh niên ấn hành vào tháng 8-2005.
GS-BS Vi Huyền Trác (ĐH Y Hà Nội)
Những sự việc mới mẻ, chưa hề xảy ra, có hai cách đánh giá: hoặc là phủ nhận không thương tiếc, hoặc nghiêm túc xem xét theo dõi. Nhân loại đã không ít lần trả giá bởi tư duy cứng nhắc của mình. Từ chối lập tức sự kiện, phát minh mới không hợp với lối nghĩ thông thường của số đông. Ta thử hình dung xem: một phương pháp đơn giản, độc đáo, giàu tính nhân đạo được phổ cập cho tất cả mọi người mù, kể cả người tàn phế, mang bệnh khó chữa, sẽ có bao nỗi bất hạnh được gỡ bỏ.
Thảo Chi
Theo Người Lao Động
*******
'Người mù và tôi' - hành trình đi tìm ánh sáng
Từng làm báo, và viết văn được giải A của Hội nhà văn với cuốn Những ngày đã qua, nhà văn Nguyên Bình có những trang viết rất hay về người điên (Cô gái mồ côi và hòn đảo). Nay ông lại có những trang viết về người mù.Cuốn tiểu thuyết Người mù và tôi của Nguyên Bình do NXB Thanh Niên phát hành tháng 8/2005. Lật từng trang sách, ta như đang hé mở cuộc sống của những người khuyết tật. Họ là ai? Nhân vật, đời sống đa dạng, nhưng hình như sự bi quan, chán nản đã đi qua họ. Khao khát cháy bỏng đến tột cùng của họ là được nhìn thấy ánh sáng.
Mở đầu, nhân vật tôi một ngày nọ phát hiện ra mình có khả năng nhìn mọi thứ khi mắt vẫn nhắm. Nhân vật tôi liên tưởng đến những người mù, ông quyết tâm giúp đỡ người mù khôi phục lại khả năng nhìn mà không cần mắt. Bắt đầu một cuộc phiêu lưu với những phương thức tập luyện của Tĩnh công ý thức do nhân vật “Anh” đứng đầu. “Tôi” đã sát cánh, đã cùng “Anh” hướng dẫn những người mù và người bệnh luyện tập. Dần dà, nhân vật "tôi" nhận biết mặt trái của “Anh”. Có thực anh là một người có tài không? Các phương pháp trị bệnh của anh có hiệu quả thực sự hay không? Đằng sau những cái chết của một số nhân vật, nhân vật “tôi” đã chôn “Anh” và chôn luôn một niềm tin mù quáng.
“Tôi” tách ra, hành động, làm việc, suy nghĩ, đều tập trung cho người mù. Và đứng đằng sau những thân phận ấy, thi thoảng, Nguyên Bình có những câu viết nghe cũng khá đau đớn: “Tôi có đánh lừa người mù vì ao ước hoang tưởng của mình không? Tôi sẽ đưa họ đi tới đâu?/ Tôi đang chơi vơi, mắc vào thiên la địa võng nào đây? Vào mớ bòng bong nào?”. Như vậy, có thể khẳng định nhân vật tôi “lọ mọ âm thầm, lầm lũi đánh vật với ao ước hoang đường, mục đích siêu tưởng” trong sự tỉnh táo chứ không đơn thuần là một ông thày hâm hâm tàng tàng như ông tự nhận. Ông khẳng định: "Mới chỉ có tôi, người nhìn không cần mắt chứ chưa có món lẩu dưỡng sinh khí công nào giúp người mù khỏi bệnh và nhìn lại" (trang 300).
Khi đọc Người mù và tôi, bạn sẽ thấy những số phận con người ở hoàn cảnh đặc biệt đang bươn trải trong cuộc sống thế nào. Muốn sống, họ phải tìm cách tồn tại, ít có người mù bị động, họ luôn muốn đánh thức trong mình sự hữu ích. Độc giả sẽ gặp ở đó, một ông phó chủ tịch Hội Người mù có đôi tay không còn nguyên vẹn trong một vụ nổ, một tai điếc, tai kia “chập chờn” nhưng lại là người đã tốt nghiệp Khoa Văn - Đại học Tổng Hợp. Hay nhân vật Thanh, 10 lần mổ mắt, 14 tuổi mù hẳn, một cô bé hay hờn dỗi đỏng đảnh dám cãi, bắt nạt thày nhưng cũng rất “cứng” trong cuộc chiến tranh đất đai với ông nội mình. Họ là Ân, với cái chết đau buồn. Họ là Phương, một cô gái mù được chọn để đẻ thuê. Khi cô sinh con xong, chỉ cần một cú lừa đơn giản, cô đã bị chia lìa với đứa trẻ đó mãi mãi. Nói chung, có rất nhiều tầng lớp, nhiều lứa tuổi, nhiều số phận trong lớp học của nhân vật tôi. Ngoài việc làm thêm, họ học hát, học đàn, làm thơ, và cả chuyện tình cảm cũng không kém phần “dữ dội”...
Tuy nhiên, thực ảo lẫn lộn. Nhân vật tôi gặp đủ các hạng người mắc hội chứng đại sư, họ theo học đủ loại rồi “thấy mình là cái - gì - đó - ghê - gớm”. Họ có xuất vía được thật không? Có thể điều khiển nội tạng chạy tùm lum không? Hay đó là sự hoang tưởng đã váng vất bao phủ? Có một nhân vật tưởng chừng như hoang đường, nhưng đó chính là mặt thứ 2 của nhân vật tôi - đó là ông bạn “Vũ trụ tan vỡ”. Ông này đến từ nơi mà trí tuệ được lập trình, dùng kỹ nghệ gene can thiệp vào quá trình sinh sản tự nhiên. Hành tinh này tan vỡ, do một nguyên nhân từ chính “sự kiêu hãnh thái quá của dạng động vật cao cấp có trí tuệ”.
Qua cuộc đối thoại, người đọc hiểu hơn về gia cảnh của nhân vật tôi. Bằng ấy năm trời theo đuổi chương trình đi tìm ánh sáng, nhà cửa đất đai bán sạc, chỉ hai năm tới, “tôi” sẽ không còn một xu dính túi. Lấy gì nuôi 2 đứa con học hết đại học? Và trong cuộc đời của nhân vật tôi đã có nhiều giải pháp. “Cứ vay để sống cái đã”, rồi cho vợ đi lao động bên Đức, lô hàng đầu tiên nghịch lý thay chính lại là lô hàng mang sang Đức bị trả lại, toàn những son gió, bấm móng tay, “bán không ai mua, cho không ai đắt”... Khi “tôi” lo cho người mù những chuyến đi luyện tập ở xa như Côn Sơn, cũng là lúc ông bỏ tiền túi ra lo kinh phí. Người mù đâu phải là người có tiền. Nhưng “tôi” luôn tâm niệm “phải biết giấu mình, nén mình, ngắm sửa mình. đừng bao giờ biến ta thành thằng hề trước tự nhiên, thảm hại hơn, là kẻ mua vui cho thói tò mò, ham thích chuyện lạ” (trang 254).
Nhân vật “Tôi” trong tiểu thuyết, chính là nhà văn Nguyên Bình. Ở đây, không có sự hoá thân hay hình tượng hoá nhân vật gì hết. Đó là những gì ông gắn bó trải qua với người mù hơn 10 năm nay. Nguyên Bình nói: “Đây là một cuốn tiểu thuyết tư liệu, nhân vật và sự việc đều có thật. Nếu ai cần thiết, hãy liên lạc với tôi, bạn sẽ thấy cả một thế giới người mù, những nguyên mẫu trong tiểu thuyết, và cả những gì xảy ra trong cuộc đời họ nữa. Tôi chưa làm gì được cho họ, những người mù của tôi. Mỗi lần bắt gặp họ quờ quạng lóng ngóng, va quệt trong sinh hoạt, lòng tôi quặn thắt”. Trên báo Tiền Phong đã in bài báo về chuyện người mù nhìn thấy sự vật liên tục trong 4 kỳ. Đó là thành công của ông, người đứng đằng sau người mù, âm thầm luyện tập với họ. Khi có tiền, ông tổ chức các cuộc dã ngoại cho người mù, khi sức cùng lực kiệt, ông không còn khả năng chi trả cho họ - những người mù mong manh và nghèo túng.
Giờ đây, ngồi trong căn nhà không phút nào yên tĩnh, văng vẳng tiếng hát karaoke của nhà hàng xóm, đôi lông mày bạc rủ xuống, cục u trên trán, Nguyên Bình vẫn trầm ngâm, điềm đạm tin vào việc mình làm. Bạn bè có người nói ông hâm, có người nói ông đúng đấy, cứ làm tiếp đi... Giáo sư V.H.T. (ĐH Y) ủng hộ ông, khuyến khích động viên Nguyên Bình phải “kiên trì đến lì lợm, phải có tài và lòng dũng cảm”. Lòng kiên trì thì chắc chắn ông đã có. Thêm vào đó, là sự đồng cảm vô cùng với những người có số phận bất hạnh. Ánh sáng trên cao kia, bao la và vô cùng. Nhưng có những người cả đời cả kiếp, chỉ khát khao 1 lần được “nhìn”, được “thấy”. Và Nguyên Bình vẫn cùng họ bước đi trong hành trình đi tìm ánh sáng.
Hải Hà
Nguồn: VNExpress